Tranh luận về phun sol khí vào tầng bình lưu để ngăn chặn nóng lên toàn cầu
Ở hai đầu của khu vực Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu Pornampai Narenpitak và Heri Kuswanto đều đang nghiên cứu cùng một vấn đề: Liệu có thể bắt chước tác động làm mát của các vụ phun trào núi lửa để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu?
Sử dụng mô hình hóa và phân tích trên máy tính, Narenpitak và Kuswanto đang tiến hành các nghiên cứu riếng về liệu việc bắn một lượng lớn sulfur dioxide vào tầng bình lưu của trái đất có thể gây ra tác động tương tự đối với nhiệt độ toàn cầu như vụ phun trào núi Tambora ở Indonesia năm 1815 hay không.
Vụ phun trào này, vốn mạnh nhất trong lịch sử được ghi lại, đã phun ra khoảng 150 km khối (150.000 gigalit) đá và tro phát nổ vào không khí, khiến nhiệt độ toàn cầu giảm tới 3 độ C ở nơi được gọi là “năm không có mùa hè”.
Việc phun sol khí vào tầng bình lưu là một trong số những công nghệ mới – và gây tranh cãi – trong lĩnh vực địa kỹ thuật năng lượng mặt trời (SRM) đã được quảng cáo là giải pháp tiềm năng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Các chiến lược được đề xuất khác bao gồm làm sáng các đám mây biển để phản chiếu mặt trời hoặc phá vỡ các đám mây ti thu nhiệt.
SRM phần lớn chưa được thử nghiệm trong thế giới thực.
Narenpita và Kuswanto, những người đang nghiên cứu việc sử dụng công nghệ này tại quê hương của họ là Thái Lan và Indonesia, tin rằng SRM ít nhất cũng xứng đáng được nghiên cứu thêm.
Narenpitak, một nhà nghiên cứu tại Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia ở Bangkok, nói với Al Jazeera: “Có rất nhiều điều chúng ta chưa hiểu về bản thân hệ thống khí hậu, chứ chưa nói đến SRM. Và khi tôi nói ‘chúng tôi’, tôi nghĩ nó có nghĩa là tất cả mọi người, từ mọi khu vực trên thế giới, bởi vì cuối cùng, các tác động sẽ khác nhau đối với các quốc gia khác nhau. Và để đánh giá các tác động, tôi nghĩ tốt nhất nên nhờ những người am hiểu bối cảnh của từng quốc gia thực hiện phân tích. Chúng ta không thể đưa ra bất kỳ quyết định sáng suốt nào nếu chúng ta không biết về những điều này”.
Các nhà khoa học khí hậu nói rằng thế giới phải giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C để tránh một số tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu đó dường như ngày càng khó xảy ra.
Vào tháng 10, Simon Stiell, thư ký điều hành về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, đã cảnh báo rằng các nỗ lực khử cacbon của các quốc gia vẫn “chưa đạt đến mức gần với quy mô và tốc độ giảm phát thải cần thiết” để đạt được mục tiêu 1,5C.
Liệu SRM có nên được coi là một giải pháp hay không vẫn còn đang tranh luận. Công nghệ này không có trong Báo cáo Khoảng cách Phát thải năm 2022 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, bao gồm các chiến lược khác nhau để giảm thiểu khí hậu.
Phần lớn nguồn tài trợ chính cho SRM đã tập trung ở Mỹ sau khi dự án nghiên cứu kéo dài 5 năm của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Đại học Chiết Giang và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc kết thúc vào năm 2019, mặc dù các nhà nghiên cứu kết luận rằng Trung Quốc nên tiếp tục thúc đẩy một thỏa thuận toàn cầu về SRM.
Xu hướng này sẽ tiếp tục sau khi Đạo luật phân bổ ngân sách năm 2022 của Mỹ cho phép tài trợ cho một dự án kéo dài 5 năm của Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng để kiểm tra cách nghiên cứu SRM trên quy mô quốc gia – đặt ra các mục tiêu, mối quan tâm, nhu cầu tài trợ và cơ quan nào sẽ thực sự giám sát công việc này.
Tuy nhiên, việc thử nghiệm SRM ngoài mô hình máy tính đang gây tranh cãi sâu sắc vì những tác động chưa biết và không thể đoán trước của việc bắn hóa chất vào tầng bình lưu.
Vì SRM liên quan đến việc bắn hóa chất vào bầu khí quyển ở độ cao 20-30km (12,4-18,6 dặm) trên bề mặt trái đất, nên việc một quốc gia triển khai công nghệ này có thể ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết ở những nơi khác trên thế giới.
Quỳnh Mai