Trung Quốc tăng cường sử dụng điện than trong năm 2022

Một báo cáo mới cho thấy Trung Quốc đang tăng mạnh sử dụng than đá, nhanh chóng phê duyệt và xây dựng các nhà máy điện mới bất chấp những lời hứa của chính họ về việc cắt giảm carbon khi thế giới ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng khí hậu.
Năm ngoái, nước này đã phê duyệt số lượng nhà máy nhiệt điện than mới cao nhất kể từ năm 2015, theo báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) và Cơ quan Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM) công bố hôm thứ Hai.
Flora Champenois, một nhà phân tích nghiên cứu tại GEM cho biết: “Trung Quốc đang đứng ngoài lề xu hướng cắt giảm nhà máy điện than toàn cầu. Tốc độ tiến triển của các dự án thông qua việc cấp phép xây dựng vào năm 2022 là rất lớn, với nhiều dự án mọc lên, xin giấy phép, nhận tài chính và động thổ dường như chỉ trong vài tháng”.
Lượng khí thải của Trung Quốc cao hơn gấp đôi so với Mỹ và mặc dù các nhà lãnh đạo của nước này trước đây đã tuyên bố sẽ cắt giảm lượng carbon, nhưng sự phụ thuộc vào than đá của nước này đặt ra một thách thức đáng kể.
Báo cáo cho biết trong suốt năm 2022, Trung Quốc đã cấp giấy phép cho công suất 106 gigawatt trên 82 địa điểm, tăng gấp bốn lần so với công suất được phê duyệt vào năm 2021 và tương đương với việc khởi động hai nhà máy điện than lớn mỗi tuần.
Năm ngoái, Trung Quốc đã trải qua đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong sáu thập kỷ, giáng một đòn mạnh vào các tỉnh phụ thuộc vào thủy điện – và khiến các nhà chức trách chuyển sang sử dụng than thay thế.
Để giảm bớt khủng hoảng điện, các nhà máy than đã tăng sản lượng, với mức tiêu thụ than nhiệt hàng ngày đạt mức cao kỷ lục trong tháng 8.
Năm 2021 cũng không khá hơn là bao. Mặc dù ban đầu Bắc Kinh đã đóng cửa hàng trăm mỏ than và buộc những mỏ còn lại phải cắt giảm sản lượng, nhưng tình trạng thiếu điện trên toàn quốc đã khiến chính phủ ra lệnh cho các mỏ “sản xuất càng nhiều than càng tốt”.
Sự thúc đẩy đó dường như sẽ không sớm kết thúc, với các tác giả báo cáo cảnh báo rằng ngay cả việc mở rộng đồng thời năng lượng tái tạo của Trung Quốc cũng sẽ không đủ để bù đắp tác động.
Trung Quốc đã bổ sung công suất năng lượng mặt trời và gió kỷ lục 125 gigawatt vào năm ngoái, chiếm 2% nhu cầu điện của đất nước. Và mặc dù mục tiêu đó thậm chí còn cao hơn trong năm nay, “thậm chí mức tăng này sẽ không đủ để cung cấp tất cả nhu cầu tăng trưởng nếu không tăng sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch”, theo báo cáo cho biết.
Báo cáo cho rằng để Trung Quốc thực sự cắt giảm lượng khí thải carbon, họ cần bắt đầu loại bỏ dần “đội nhà máy điện than khổng lồ” của mình thay vì tiếp tục phát triển nó. Báo cáo cho biết bên cạnh tác động đến môi trường của các nhà máy, “những chủ sở hữu có ảnh hưởng chính trị của chúng… cũng quan tâm đến việc bảo vệ tài sản của họ”.
Bản thân ông Tập Cận Bình đã dịu giọng hơn đối với việc cắt giảm carbon khi đối mặt với tình trạng mất điện, đóng cửa nhà máy và chuỗi cung ứng bị tổn hại, vào đầu năm ngoái, ông nói rằng “không thể đạt được đỉnh phát thải carbon và trung hòa carbon trong một sớm một chiều”.
Việt Hưng