Mỹ điều tra việc cấp phép 737 Max8

Bộ Giao thông Mỹ (DOT) đang mở cuộc điều tra về việc liệu có sai phạm nào trong quá trình cấp chứng nhận an toàn cho dòng 737 Max của Boeing sau hai vụ tai nạn liên tiếp.

Mỹ đã tiến hành mở cuộc điều tra việc cấp phép 737 Max 8. Ảnh: Getty.

Theo Wall Street Journal, cuộc điều tra của DOT đã được mở từ sau vụ tai nạn thảm khốc của một chiếc Boeing 737 Max 8 trong đội bay của Lion Air khiến 189 người thiệt mạng hồi tháng 10/2018.

Gần 5 tháng sau đó, vào ngày 10/3, chiếc Boeing 737 Max 8 thứ hai cũng gặp tai nạn ngay sau khi vừa cất cánh, khiến 157 người thiệt mạng trên chuyến bay của Ethiopian Airlines.

Bộ trưởng Giao thông Ethopia, bà Dagmawit Moges ngày 17/3 cho biết dữ liệu bay thu thập được từ chiếc 737 Max 8 gặp nạn của Ethiopian Airlines cho thấy “những sự tương đồng rõ rệt” so với vụ tai nạn của Lion Air ở Indonesia. Bà Moges khẳng định sự tương đồng này sẽ là “vấn đề để nghiên cứu sâu hơn”.

Theo nguồn tin, DOT sẽ mở cuộc điều tra với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) để xác định liệu cơ quan này có sai phạm nào trong quá trình cấp chứng nhận an toàn cho dòng máy bay Boeing 737 Max hay không.

Cổ phiếu của Boeing đã tăng 1,52% sau thông tin hãng sẽ sớm cập nhật phần mềm cho dòng 737 Max. Tuy nhiên nhiều chuyên gia hàng không nhận định phần mềm chỉ là lý do bào chữa của Boeing khi vấn đề nằm ở thiết kế khí động học của dòng 737 Max.

Cuộc điều tra của DOT sẽ tập trung vào hệ thống an toàn bay bị nghi ngờ là nguyên chính gây nên tai nạn tại Indonesia. WSJ từng đưa tin vào tháng 11/2018 rằng Boeing đã không thông báo tới ngành hàng không về hệ thống phần mềm tiềm ẩn nhiều nguy cơ này.

Người phát ngôn của FAA đã đề nghị CNBC liên hệ với DOT và phía DOT cũng chưa đưa ra phản hồi.

Sau hai vụ tai nạn thảm khốc trong chưa đầy 5 tháng liên quan tới cùng một mẫu máy bay, cơ quan chức năng của hơn 50 nước, trong đó có Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Indonesia, đã ra lệnh cấm bay đối bới dòng 737 Max của Boeing.

Do bị cắt giảm ngân sách hoạt động, FAA từ năm 2009 đã ủy thác một số phần trong quy trình cấp chứng chỉ bay cho chính nhà sản xuất máy bay hoặc các chuyên gia bên ngoài, quy trình này được gọi là Ủy quyền Chỉ định Tổ chức (ODA).

Vào ngày 17/3, FAA bảo vệ quy trình của mình, khẳng định rằng dòng máy bay 737 Max đã phải vượt qua nhiều cuộc kiểm tra và đánh giá trước khi được cấp chứng chỉ bay.

Họ cho biết thiết kế của máy bay đã được kiểm tra kỹ càng, các cuộc thử nghiệm trên mặt đất và trên không đã được tiến hành và các cơ quan hàng không dân dụng khác đã được tư vấn để đảm báo “máy bay tuân thủ các tiêu chuẩn FAA”.

Boeing trả lời Seattle Times trong một thông báo chính thức rằng “FAA đã xem xét cấu hình và thông số vận hành cuối cùng của MCAS trong quy trình chứng nhận cho dòng máy bay MAX, và kết luận rằng nó đáp ứng tất cả các yêu cầu và chứng chỉ theo quy định”.

Mặc dù vậy, Boeing cho biết đã có “một số nhận định sai lầm đáng kể” trong quá trình cấp chứng nhận.

Vietjet Air đang là một trong các khách hàng lớn nhất của Boeing với 2 đơn hàng mua 737 Max với 200 máy bay, bao gồm mẫu 737 Max 8. Tổng giá trị các hợp đồng theo giá niêm yết là hơn 20 tỷ USD. Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ nhận bàn giao chiếc 737 Max đầu tiên vào tháng 10/2019.

“Hiện nay chúng tôi đang theo dõi sát sao vụ việc tàu Boeing 737 Max và sẽ có các quyết định về việc khai thác dòng máy bay này sau khi có các kết luận chính thức và hướng dẫn từ các cơ quan chức trách hàng không thế giới và Cục Hàng không Việt Nam (CAAV)”, đại diện Vietjet Air cho biết.

Minh Vương