Chủ nhà G20 Ấn Độ đề xuất các chủ nợ cắt giảm các khoản cho vay
Ấn Độ đang soạn thảo một đề xuất cho các nước G20 nhằm giúp đỡ các quốc gia mắc nợ bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế do đại dịch và chiến tranh Ukraine, bằng cách yêu cầu các bên cho vay bao gồm Trung Quốc, chủ nợ có chủ quyền lớn nhất thế giới, giảm một khoản lớn cho các khoản vay.
Hai nguồn tin chính phủ Ấn Độ nói với Reuters về đề xuất này khi các bộ trưởng tài chính và giám đốc ngân hàng trung ương từ Nhóm G20 chuẩn bị gặp nhau tại Bengaluru vào tuần tới. Cuộc họp này sẽ là sự kiện lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ một năm của Ấn Độ làm chủ tịch G20, vốn bao gồm các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Ba cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Mỹ và các nền dân chủ giàu có khác trong Nhóm G7 vào thứ Sáu để cố gắng đạt được sự hiểu biết chung về các tiêu chuẩn, nguyên tắc và định nghĩa về cách cơ cấu lại các khoản nợ quốc gia.
Một quan chức cho biết “Ấn Độ đang thiết kế một đề xuất” để cố gắng thuyết phục các quốc gia như Trung Quốc cắt giảm khoản vay lớn cho các quốc gia gặp khó khăn.
Các quan chức cho biết Trung Quốc và các nước G20 khác đã biết rằng Ấn Độ đang thực hiện một đề xuất.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters hôm thứ Tư rằng họ không có gì để chia sẻ ngoài bình luận của người phát ngôn Uông Văn Bân tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba. Ông nói: “Trung Quốc xem xét vấn đề nợ của các nước đang phát triển một cách nghiêm túc và hỗ trợ các tổ chức tài chính liên quan đưa ra các giải pháp. Lập trường nhất quán của chúng tôi là các tổ chức tài chính đa phương và các chủ nợ thương mại, nắm giữ phần lớn khoản nợ của các nước đang phát triển, nên tham gia vào các nỗ lực xóa nợ”.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Bộ Tài chính đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Các bộ tài chính và ngoại giao của Ấn Độ cũng không trả lời ngay lập tức các email và tin nhắn yêu cầu bình luận.
New Delhi hy vọng Mỹ sẽ là một trong những người ủng hộ chính cho đề xuất của họ, theo một trong những nguồn tin cho biết.
Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Vào tháng 12/2022, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết các nước nghèo nhất thế giới nợ các chủ nợ song phương 62 tỷ đô la hàng năm, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, gây ra rủi ro vỡ nợ cao hơn.
Thúy Hạnh