Mỹ điều tra các nhà sản xuất ô tô về lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ

Một ủy ban của Thượng viện đang điều tra một số nhà sản xuất ô tô lớn sau một báo cáo cho thấy chuỗi cung ứng của họ có liên kết với việc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ cho các bộ phận ô tô sản xuất tại Trung Quốc. Người Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden đã gửi thư tới tám nhà sản xuất ô tô lớn yêu cầu thêm thông tin về chuỗi cung ứng của họ và khả năng sử dụng lao động cưỡng bức thông qua việc nhập khẩu các bộ phận như pin, hệ thống dây điện và bánh xe. Các nhà sản xuất ô tô được Wyden liên hệ bao gồm Ford, General Motors, Honda, Mercedes-Benz, Stellantis (bao gồm các thương hiệu như Fiat, Chrysler, Dodge và Jeep), Tesla, Toyota và Volkswagen.

Wyden viết: “Trừ khi thẩm định xác nhận rằng các bộ phận không liên quan đến lao động cưỡng bức, các nhà sản xuất ô tô không thể và không nên bán các ô tô có sử dụng các bộ phận được khai thác hoặc sản xuất tại Tân Cương. Mỹ coi sự đàn áp tàn bạo của chính phủ Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là một ‘nạn diệt chủng đang diễn ra và tội ác chống lại loài người’”.

Các lá thư của Wyden gửi cho tám nhà sản xuất ô tô đã yêu cầu trả lời trước ngày 13 tháng 1 năm 2023, điều cho thấy vấn đề này có thể là trọng tâm của ủy ban sau khi Quốc hội mới triệu tập vào ngày 3 tháng 1.

Cuộc điều tra của Ủy ban Tài chính Thượng viện diễn ra sau một báo cáo của Trung tâm Tư pháp Quốc tế Helena Kennedy tại Đại học Sheffield Hallam cho thấy nhiều nhà sản xuất ô tô có liên hệ với các công ty Trung Quốc hoạt động tại Tân Cương.

Báo cáo mở rộng được biên soạn bởi một nhóm các nhà nghiên cứu trong suốt sáu tháng và tìm thấy “mối liên hệ lớn và ngày càng mở rộng giữa các thương hiệu xe hơi phương Tây và lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ, từ đề can mui xe và khung xe cho đến vỏ động cơ, nội thất và thiết bị điện tử”.

Báo cáo kêu gọi các công ty xe hơi:

• Lập bản đồ chuỗi cung ứng của họ để loại bỏ tận gốc lao động cưỡng bức; ngừng tìm nguồn nguyên liệu từ Tân Cương;

• Loại bỏ chuỗi cung ứng của họ khỏi các khu vực mà người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp; và

• Công khai các quyết định chấm dứt hợp đồng mua sắm do lo ngại về lao động cưỡng bức để cảnh báo các bên liên quan khác trong ngành về vấn đề này.

Một số nhà sản xuất ô tô đã phản hồi trước các cáo buộc rằng chuỗi cung ứng của họ bao gồm việc sử dụng lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ.

Mercedes-Benz nói với nhóm các nhà điều tra từ Trung tâm Tư pháp Quốc tế Helena Kennedy tại Đại học Sheffield Hallam rằng nhà sản xuất ô tô hạng sang sẽ theo dõi những lo ngại được đưa ra. Công ty kêu gọi các nhà cung cấp của mình tuân thủ các Nguyên tắc về Trách nhiệm Xã hội và Nhân quyền.

Volkswagen thông báo với các nhà nghiên cứu rằng họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy nhân viên tại nhà máy ở Tân Cương mà họ sử dụng thông qua một liên doanh bị buộc phải làm việc ở đó và họ không biết về trường hợp nhân viên người Duy Ngô Nhĩ đã hoặc đang ở trong các trại cải tạo.

Honda đã cung cấp một tuyên bố cho FOX Business có nội dung: “Honda mong muốn các nhà cung cấp của chúng tôi tuân theo Nguyên tắc bền vững toàn cầu của chúng tôi đối với lao động. Honda sẽ làm việc với các nhà hoạch định chính sách về những vấn đề quan trọng này”,

General Motors nói với Wall Street Journal rằng họ nghiêm cấm lao động cưỡng bức và ngược đãi công nhân trong chuỗi cung ứng của mình, trong khi Stellantis trả lời rằng họ đang điều tra những phát hiện của báo cáo.

Huế Vân