Các chuyên gia tranh cãi có nên tiếp tục khai thác Boeing 737 Max 8
Danh sách các quốc gia và hãng hàng không ngừng khai thác Boeing 737 MAX 8 đang tăng từng giờ sau vụ tai nạn của Ethiopian Airlines. Xung quanh nghi vấn hỏng hóc kỹ thuật đang có nhiều tranh cãi.
Lần thứ nhì trong chưa đầy nửa năm, một chiếc Boeing 737 MAX 8 hoàn toàn mới rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh.
Bắt đầu từ 14h ngày 12-3, Singapore cấm tất cả máy bay dòng Boeing 737 MAX 8 ra vào cảng hàng không nước này. Đây là một quyết định cứng rắn nhưng không bất ngờ, nhiều hãng bay thế giới đã quyết định cho Boeing 737 MAX 8 nằm bãi trong lúc chờ kết luận về vụ tai nạn ở Ethiopia.
Sẽ mất nhiều tuần lễ trước khi người ta xác định được nguyên nhân máy bay rơi. Trước mắt, các chuyên gia an toàn hàng không và giới chức quản lý trên khắp thế giới đang chia rẽ trước câu hỏi có nên tiếp tục khai thác dòng máy bay B737 MAX 8 không, lỡ như nó thật sự bị lỗi kỹ thuật thì sao…?
“Tôi chưa từng tuyên bố một mẫu máy bay cụ thể nào đó không an toàn, nhưng trong trường hợp này tôi phải làm vậy. Tôi sẽ trông chừng loại máy bay đó (B737 MAX 8). Tôi xin lỗi vì nói ra điều này” – ông David Soucie, cựu thanh sát viên thuộc Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) nhận định trên Đài CNN.
Soucie nói ông sẽ không bước chân lên một chiếc 737 MAX 8 bây giờ vì hành khách không có đủ thông tin (để cảm thấy yên tâm).
Sau khi chuyến bay của Lion Air gặp nạn gần Jakarta, Indonesia hồi tháng 10 -2018, hãng Boeing đã ra khuyến cáo tất cả phi công nên được huấn luyện lại để không mắc phải cùng sai lầm, tuy nhiên việc huấn luyện này không phải là bắt buộc.
“Khuyến cáo đó Boeing đưa ra sau vụ tai nạn Lion Air, làm sao tôi biết hãng hàng không tôi đang dùng, hoặc viên phi công lái chiếc máy bay đó đã được huấn luyện? Nếu không có cách nào để biết, tôi thà không bước chân lên chiếc máy bay” – chuyên gia Soucie nêu quan điểm.
Trong luồng ý kiến khác, ông Peter Goelz – Cựu Giám đốc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ, cho rằng tuy thế giới đang hết sức quan ngại, nhưng còn quá sớm để nhà chức trách Mỹ có hành động tương tự (ngừng khai thác B737 MAX 8).
Theo ông Goelz, điểm ngoặt để ra quyết định sẽ là kết luận của các nhà điều tra, rằng liệu vụ tai nạn ở Ethiopia lần này có liên quan gì đến vụ Lion Air hồi tháng 10 năm ngoái không. “Nếu có liên quan, chúng ta sẽ chứng kiến tất cả 737 MAX 8 nằm bãi” – ông dự báo.
Tại Mỹ, FAA ngày 11-3 thông báo vẫn đang điều tra mối liên hệ giữa hai vụ tai nạn của dòng máy bay 737 MAX 8. “Điều tra đang diễn ra, trước mắt chúng tôi chưa có dữ liệu để kết luận hoặc có hành động nào” – FAA cho biết.
Tuy nhiên, FAA buộc Boeing phải cập nhật phần mềm hệ thống điều khiển bay của dòng 737 MAX 8 không trễ hơn tháng 4. Báo cáo sơ bộ vụ Lion Air cho thấy một tính năng chống treo của hệ thống điều khiển đã khiến phi công bối rối, và nó không nằm trong bản hướng dẫn sử dụng máy bay.
“Dù nhiều câu hỏi chưa có lời đáp, chúng tôi cam kết sẽ tìm hiểu mọi khía cạnh của vụ tai nạn” – CEO Dennis Muilenburg của Boeing viết trong thông điệp gửi đến toàn thể nhân viên trong ngày 11-3.
Theo thông lệ, máy bay vận tải thương mại phải trải qua quy trình đánh giá, kiểm tra cực kỳ nghiêm ngặt và dài hơi trước khi hành khách đầu tiên đặt chân lên. Do đó, trừ khi xác định được lỗi, giới chức quản lý hiếm khi ra lệnh cho ngừng hoạt động toàn bộ mẫu máy bay nào đó.
Hồi năm 1979, FAA từng ra lệnh ngừng khai thác dòng máy bay chở khách DC-10 trong 37 ngày sau khi xác định được một lỗi động cơ. Một chiếc DC-10 đã gặp nạn lúc cất cánh khiến 271 người trên khoang thiệt mạng.
Danh sách các hãng bay hoặc quốc gia đã ngừng khai thác Boeing 737 MAX 8: Ethiopian Airlines; Trung Quốc (Shenzhen Airlines, China Eastern Airlines, Air China, Okay Airways, Kunming Airlines); Indonesia (Garuda Indonesia và Lion Air); Aeromexico; Cayman Airways; Comair; Aerolíneas ; Argentinas; Singapore. |
Duy Anh.