8 dấu hiệu nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi
Theo ghi nhận mới nhất từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, hiện cả nước đã có 9 tỉnh xuất hiện lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vậy dấu hiệu nào nhận biết thịt lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi để người dân phòng tránh?
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng; không gây bệnh cho các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn; không lây nhiễm và gây bệnh ở người; vi rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn; bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,..), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.
Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày theo quy định tại Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về Kế hoạch hành động ứng phó khan cấp với bệnh DTLCP).
Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết thịt lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi:
- Lợn bị nhiễm DTLCP sẽ bị sốt cao (41 – 42 độ C), biểu hiện bằng việc mệt mỏi, chán ăn, tìm chỗ mát để nằm, túm tụm lại gần nhau, thở gấp, da bừng đỏ (đặc biệt ở vùng bụng và các chi).
- Lợn bệnh sẽ có dịch chảy ra từ mắt hoặc mũi. Lợn thường xuyên khó thở, chảy dãi lẫn máu, chảy máu mũi; kêu đau liên tục, nôn mửa. Một số con bị táo bón hoặc tiêu chảy ra máu. Đa số lợn nái trong thời gian mang bầu sẽ sảy thai.
- Những con lợn da bị ửng đỏ có thể chuyển sang màu xanh tím khi bệnh nặng, đồng thời xuất huyết dưới da. Lợn có thể rơi vào hôn mê do sốc xuất huyết hoặc tràn dịch phổi sau 7 ngày xuất hiện các triệu chứng của DTLCP.
- Những con lợn chết trong thời gian đầu thường trông khỏe mạnh không khác gì lợn thường. Nhưng vẫn có các vùng đỏ hoặc tím xanh ở các chi, bụng và ngực.
- Dịch ở khoang ngực và ổ bụng lợn bệnh nhiều, có thể dính lẫn máu. Xuất huyết toàn bộ nội tạng và bề mặt cơ thể. Máu tràn ra từ nội tạng và xác lợn.
- Lá lách phình to, hạch bạch huyết to, chứa máu nên có thể trông giống cục máu đông.
- Phổi không xẹp xuống sau khi ngực bị mổ ra. Phổi nặng và sáng, có nhiều cục nhỏ giữa các thùy và có dịch kèm bọt khí rỉ ra khi cắt. Khí quản thường chứa đầy bọt, và có thể dính máu.
- Thận bị xuất huyết. Bên trong niêm mạc dạ dày cũng có máu và đôi khi bị loét. Ruột cũng bị tắc và có thể chứa máu.
Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức. Cục Thú y đã giải trình tự gien của vi rút DTLCP gây bệnh trên lợn tại Việt Nam giống 100% chủng vi rút DTLCP gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc.
Duy Sơn