“Cần xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, phục hồi nhanh và ứng phó thách thức hiệu quả trong giai đoạn biến động…”
Đây là đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (BIS) diễn ra tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia).
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, trải qua chặng đường hơn 50 năm dựng xây phát triển, ASEAN đã vươn lên trở thành cộng đồng kinh tế năng động, sáng tạo với hơn 650 triệu dân. Có được thành công này một phần là nhờ vào những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp ở mọi quy mô, mọi loại hình; từ các doanh nghiệp lớn đến các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; từ các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp cho đến doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Chính các cơ chế hợp tác hiệu quả cùng sự liên kết chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực đã chắp cánh cho ASEAN vượt qua thử thách, vươn lên trở thành một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và liên kết toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong một thế giới luôn biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro như ngày nay, để ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu cần phải có cách tiếp cận toàn cầu cùng những giải pháp toàn cầu, vượt qua khủng hoảng, phục hồi kinh tế. Điều này cần có sự nỗ lực, đoàn kết, chung tay vun đắp của tất cả 10 nước thành viên ASEAN, cũng như của các bạn bè, đối tác. “Chính cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ròng rã trong hơn 2 năm qua là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, gắn bó, cùng tương trợ nhau vượt qua thách thức. Đến nay khu vực ASEAN đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Trong giai đoạn mà “nguy nhiều hơn cơ”, chúng ta càng phải phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó, cùng kề vai, sát cánh và hợp tác cùng phát triển, từ đó xây dựng niềm tin và tạo động lực cho phục hồi kinh tế khu vực cũng như thế giới” – người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh
Trên tinh thần đó, nhằm xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, phục hồi nhanh và ứng phó thách thức hiệu quả trong giai đoạn biến động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan trong ASEAN cần triển khai hiệu quả Khuôn khổ phục hồi toàn diện đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 37 và các sáng kiến khác mà ASEAN đã thông qua, tập trung vào 3 định hướng: phục hồi, số hóa và bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để thúc đẩy phục hồi xanh.
Hiện nay RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất khu vực, bao phủ 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Chính vì vậy cộng đồng doanh nghiệp ASEAN cần tận dụng và khai thác hiệu quả mọi cơ hội mà RCEP mang lại, tạo động lực thúc đẩy mở rộng liên kết thị trường, phát triển chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, hài hòa hóa các quy định về xuất xứ, thủ tục thuế quan, hải quan, kiểm dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Về phía các nước thành viên ASEAN cần triển khai hiệu quả Chiến lược Tổng thể ASEAN về Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số và đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối khu vực và phục hồi kinh tế. Về phía ASEAN BAC cần phát huy vai trò tiên phong trong hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ…; đẩy mạnh chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn ưu việt, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Ở phạm vi khu vực và trong nước, Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp thông qua giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô, tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, phát triển các chuỗi cung ứng và giảm chi phí giao dịch, xây dựng môi trường – chính sách ổn định, có tính dự báo cao, minh bạch, trách nhiệm.
Bên cạnh đó Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số, hướng tới khu vực phát triển kỹ thuật số đồng đều và bền vững; đồng hành cùng các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN cũng như các nước đối tác tận dụng và khai thác hiệu quả mọi cơ hội đầu tư kinh doanh.
Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (BIS) là hoạt động thường niên nổi bật của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (BAC). Hội nghị năm nay diễn ra tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đánh dấu lần đầu tiên BIS được tổ chức trực tiếp đón các đại biểu sau hai năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Chủ đề của BIS 2022 là “Chung tay vượt qua thách thức” – trùng với chủ đề năm 2022 của ASEAN. Hội nghị gồm 4 phiên thảo luận về kinh tế của khối; thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); đầu tư, kinh tế số, ASEAN xanh; phát triển bền vững. |
Bảo Ngọc