Thực hư tin đồn Credit Suisse phá sản

Hiện Credit Suisse đang là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trên các diễn đàn mạng xã hội Twitter và Reddit; nguyên nhân là khoản chi phí bảo hiểm khả năng vỡ nợ của ngân hàng này trong hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm đã tăng lên 250 điểm cơ bản (2,5%) – mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Như đã biết CDS là một công cụ chứng khoán phái sinh cho phép một nhà đầu tư hoán đổi rủi ro tín dụng với một nhà đầu tư khác. Người mua CDS sẽ trả cho người bán một khoản phí để được bảo hiểm cho rủi ro vỡ nợ. Phí CDS thường có quan hệ chặt chẽ với xếp hạng tín nhiệm của bên vay. Trong trường hợp của Credit Suisse, phí này tăng đồng nghĩa với rủi ro vỡ nợ của ngân hàng đang tăng cao.

Theo đánh giá của Market Watch, đối với một doanh nghiệp, mức tăng này là bình thường song đối với một nhà băng lớn thì mức tăng này lại cao. Dữ liệu của IHS Markit cho thấy con số này của UBS là 126, Goldman Sachs là 143. Phí CDS của chính phủ Thụy Sĩ là 7. Đây cũng là mức phí CDS cao nhất của Credit Suisse kể từ năm 2009.

Trước tình hình trên, ông Ulrich Koerner – CEO Credit Suisse đã phải lên tiếng trấn an nhân viên cũng như các nhà đầu tư bằng tuyên bố rằng ngân hàng này vẫn đang sở hữu nền tảng tài chính mạnh và thanh khoản tốt với bộ đệm vốn vào khoảng gần 100 tỷ USD, tài sản có mức thanh khoản cao cũng ở gần mức 238 tỷ USD. “Chúng tôi đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố mảng quản lý tài sản, cải tổ mảng ngân hàng đầu tư, đánh giá các lựa chọn chiến lược cho mảng các sản phẩm chứng khoán hóa cũng như kéo giảm chi phí xuống dưới 15,5 tỷ franc (15,7 tỷ USD) trong trung hạn” – CEO Credit Suisse cho hay.

Dù ông Ulrich Koerner khẳng định mức vốn và thanh khoản của Credit Suisse vẫn mạnh song giới quan sát cho rằng ngân hàng này không có đủ vốn. Cụ thể các nhà phân tích tại RBC Capital Market cho biết để thực hiện việc tái cấu trúc, cũng như làm bộ đệm đề phòng các thách thức về vốn, Credit Suisse cần phải huy động thêm 4-6 tỷ franc nữa

Các chuyên gia cũng cho rằng dù phí CDS của Credit Suisse tăng ở ngưỡng cho phép song nó cũng phần nào cho thấy nhà đầu tư đang dần mất niềm tin vào ngân hàng này trong môi trường hiện tại. Hiện xác suất Credit Suisse vỡ nợ trái phiếu trong vòng 5 năm vào khoảng 23%.

Chưa kể ở thời điểm các công ty tại Wall Street đều báo lãi thì ngược lại Credit Suisse lại lỗ 3 quý liên tiếp. Credit Suisse không phải tổ chức đầu tư duy nhất cho Archegos Capital Management (do Bill Hwang thành lập) vay tiền, nhưng ngân hàng này đã mất tới 5,5 tỷ USD sau khi scandal với Bill Hwang diễn ra và Archegos Capital Managemant tuyên bố phá sản. Chưa kể việc Greensill Capital – một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Anh và Úc phá sản cũng khiến Credit Suisse phải đóng băng hàng loạt quỹ đầu tư, đồng thời phải theo đuổi vụ kiện có thể kéo dài tới 5 năm.

Hồi tháng 10, Credit Suisse còn bị giới chức Mỹ và Anh phạt 475 triệu USD vì cho vay các công ty quốc doanh tại Mozambique. Gần đây nhất, Credit Suisse đã thông báo hoãn kế hoạch tăng vốn với một quỹ đầu tư bất động sản với lý do biến động thị trường.

Trong phiên giao dịch ngày 3/10, giá cổ phiếu Credit Suisse có lúc giảm tới 11% nhưng hồi phục vào cuối phiên và chốt phiên với mức giảm 7%. Như vậy lũy kế từ đầu năm đến nay cổ phiếu Credit Suisse đã giảm gần 60% và giá trị vốn hoá của ngân hàng hiện chỉ còn khoảng 10,6 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với hồi tháng 2/2022.

Hàng loạt tin xấu tràn lan trên thị trường làm dấy lên nhiều lo ngại rằng nếu Credit Suisse sụp đổ sẽ gây ra tác động dây chuyền như ngân hàng Lehman Brothers. Việc Lehman phá sản năm 2008 đã châm ngòi cho hàng loạt vụ cứu trợ lớn tại Wall Street, từ đó kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên cũng có một số chuyên gia tài chính cho rằng tin đồn Credit Suisse phá sản chỉ là sự phóng đại quá mức. Nhà sáng lập quỹ Saba Capital Boaz Weinstein nhấn mạnh đây chỉ là tin đồn nhảm và khuyên các nhà đầu tư hãy thật bình tĩnh, hãy so sánh sự việc lần này với lần phí CDS của Morgan Stanley tăng gấp đôi trong giai đoạn 2011-2012.

Ông Komal Sri-Kumar – Giám đốc Sri-Kumar Global Strategies cũng không cho rằng các thị trường đang hướng tới “khoảnh khắc Lehman”. Chung quy lại, các rắc rối của Credit Suisse chỉ cho thấy những tính toán sai lầm về lạm phát trong thời gian dài của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Về phía Credit Suisse, nếu không sớm lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, ngân hàng này sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị các đối tác, khách hàng rút tiền gửi cũng như các dạng vốn khác. Hồi tháng 8, xếp hạng tín nhiệm của Credit Suisse cũng đã bị tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service cắt giảm 1 bậc xuống Baa2, kèm theo là triển vọng tiêu cực.

Huy Hoàng