Các ông lớn bán lẻ toàn cầu đua nhau tăng quy mô hoạt động tại Việt Nam

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam đã tạo sức hút lớn đối với các nhà bán lẻ đa quốc gia. Nắm bắt cơ hội này, Central Retail – doanh nghiệp vận hành chuỗi trung tâm thương mại, siêu thị GO có kế hoạch tăng gấp đôi quy mô hoạt động của mình tại Việt Nam với tổng trị giá đầu tư lên đến 30 tỷ bath (tương đương 790 triệu USD)

Ông Olivier Langlet – CEO Central Retail Việt Nam cho biết động lực cho quyết định mở rộng mạng lưới hoạt động tại Việt Nam là vì đại gia bán lẻ này luôn muốn đặt mình vào trung tâm cuộc sống của người tiêu dùng. Mục tiêu đến năm 2026 sẽ nâng tổng số cửa hàng tại Việt Nam lên ít nhất 740 cửa hàng – gấp hơn hai lần con số hiện tại, doanh thu đạt 100 tỷ baht (hơn 2,6 tỷ USD).

Đến năm 2026, các cửa hàng của Central Retail Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc bán cả mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm (điện máy, thời trang, khu vui chơi, tiện ích gia đình…).

Kể từ sau khi chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam (năm 2012), hoạt động kinh doanh của Central Retail Việt Nam đã dần đi vào quỹ đạo ổn định và phát triển với doanh thu năm 2021 đạt 38,6 tỷ baht, chiếm khoảng 1/5 tổng doanh thu của Central Retail. Central Retail Việt Nam cũng là công ty mang lại nguồn thu lớn nhất cho Central Retail bên ngoài thị trường Thái Lan.

Hiện các thương hiệu bán lẻ của Central Retail như GO!, Tops market, Lan Chi, Nguyễn Kim, Supersports… đã phủ sóng khắp 40 tỉnh, thành cả nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 15.000 lao động. Mục tiêu trong 5 năm tới Central Retail Việt Nam sẽ phủ sóng 55/63 tỉnh, thành; số lượng đại siêu thị GO! (diện tích lớn từ 4.000 – 7.000 m2) cũng sẽ tăng gấp đôi lên hơn 70 siêu thị.

Ngoài Central Retail còn rất nhiều đại gia bán lẻ khác cũng đang có kế hoạch mở rộng độ phủ sóng tại thị trường Việt Nam. Đơn cử “ông lớn” Aeon của Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển mạng lưới 100 siêu thị trên toàn quốc. Thay vì diện tích khoảng 300 m2 như trước đây, các siêu thị mới của Aeon sẽ có diện tích từ 500 m2 trở lên với lợi thế cạnh tranh đặc thù là các dòng sản phẩm tươi sống, được chế biến sẵn theo bí quyết và công nghệ của Nhật Bản.

Tương tự Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Lotte của Hàn Quốc cũng có kế hoạch mở thêm các siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam. Sau khi dần rút khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng địa chính trị, Tập đoàn này đã đưa Việt Nam lên vị thế thị trường trọng điểm thứ 3, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản.

Có thể thấy tỷ lệ thuận với việc thu hút ngày càng nhiều các ông lớn bán lẻ toàn cầu thì mức độ cạnh tranh tại thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ trở nên khốc liệt hơn. Trong bối cảnh miếng bánh thị trường bị chia nhỏ như vậy, việc lựa chọn được các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp bán lẻ vươn lên bứt phá dẫn đầu.

Hiếu Nguyễn