Mỹ và các đồng minh hợp lực để đối phó Trung Quốc trong lĩnh vực chip

Theo các nhà phân tích phát biểu với CNBC, các quốc gia sản xuất chip hàng đầu bao gồm Mỹ đang thành lập liên minh, một phần để đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn của họ và ngăn Trung Quốc vươn tới vị trí tiên tiến trong ngành.

Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, những quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn mạnh, đã tìm cách thiết lập quan hệ đối tác xung quanh công nghệ quan trọng này.

Pranay Kotasthane, chủ tịch Chương trình Địa chính trị Công nghệ cao tại Viện Takshashila, cho biết: “Lý do trước mắt cho tất cả những điều này chắc chắn là Trung Quốc.

Việc hợp tác nhấn mạnh tầm quan trọng của các con chip đối với các nền kinh tế và an ninh quốc gia, đồng thời nhấn mạnh mong muốn của các quốc gia trong việc ngăn chặn sự tiến bộ của Trung Quốc trong công nghệ quan trọng.

Kotasthane cho biết việc tập trung quyền lực vào tay một số nền kinh tế và công ty dẫn đến rủi ro về tính liên tục của hoạt động kinh doanh, đặc biệt là ở những nơi có nhiều tranh chấp như Đài Loan. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và đã hứa sẽ “thống nhất” hòn đảo này với lục địa Trung Quốc.

Vì sự phức tạp của chuỗi cung ứng chip, không quốc gia nào có thể thực hiện một mình.

Các quốc gia đã ngày càng tìm kiếm quan hệ đối tác chip trong hai năm qua. Trong một chuyến đi đến Hàn Quốc vào tháng 5, Biden đã đến thăm một nhà máy bán dẫn của Samsung. Cùng thời gian đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã gặp người đồng cấp Nhật Bản lúc bấy giờ là Koichi Hagiuda tại Tokyo và thảo luận về “hợp tác trong các lĩnh vực như chất bán dẫn và kiểm soát xuất khẩu”.

Mỹ cũng đã đề xuất một liên minh “Chip 4” với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, tất cả các cường quốc trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Tuy nhiên, chi tiết về kế hoạch này vẫn chưa được hoàn thiện.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã bơm rất nhiều tiền vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, nhằm thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp và giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.

Như đã giải thích trước đây, điều đó sẽ vô cùng khó khăn vì sự phức tạp của chuỗi cung ứng và sự tập trung quyền lực vào tay của rất ít công ty và quốc gia.

Trung Quốc đang cải thiện trong các lĩnh vực như thiết kế chip, nhưng đó là lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào các công cụ và thiết bị nước ngoài.

Theo Kotasthane, sản xuất là “gót chân Achilles” của Trung Quốc. Nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc là SMIC. Tuy nhiên, công nghệ của công ty này vẫn đi sau đáng kể so với TSMC và Samsung.

Kotasthane nói: “Nó đòi hỏi rất nhiều sự hợp tác quốc tế … mà tôi nghĩ bây giờ là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc vì cách mà Trung Quốc đối xử với các nước láng giềng đang gây thù chuốc oán”.

Điều đó khiến Trung Quốc bị nghi ngờ về khả năng đạt được lợi thế dẫn đầu về sản xuất chip, đặc biệt là khi Mỹ và các cường quốc bán dẫn lớn khác hình thành liên minh. Kotasthane nói: “Về lâu dài, tôi nghĩ rằng họ [Trung Quốc] sẽ có thể vượt qua một số thách thức hiện tại … nhưng họ sẽ không thể đạt được mức vượt trội như nhiều quốc gia khác”.

Quang Anh