Chủ tịch Fed Jerome Powell: “Để kiềm chế lạm phát, kinh tế Mỹ sẽ phải trả cái giá khá đắt…”
Để đối phó với tình trạng lạm phát cao nhất trong 40 năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất trong thời gian ngắn. Tuy nhiên Chủ tịch Fed – ông Jerome Powell cảnh báo các công cụ kiềm chế lạm phát của cơ quan này sẽ khiến nền kinh tế Mỹ dần yếu đi.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên chuyên đề kinh tế Jackson Hole, ông Jerome Powell cho biết kiềm chế lạm phát là một hành trình hết sức gian nan, đòi hỏi phải sử dụng các công cụ mạnh tay để có thể cân bằng cung cầu thị trường. Tuy nhiên biện pháp này cũng giống như “con dao hai lưỡi”, sẽ khiến kinh tế Mỹ và thị trường lao động suy yếu, các doanh nghiệp và các hộ gia đình rơi vào thế khó khăn.
Theo Rob Haworth – chiến lược gia đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Wealth Management, phát biểu của người đứng đầu Fed đồng nghĩa với việc cơ quan này sẵn sàng để tỷ lệ thất nghiệp tăng lên nhằm kéo giảm nhu cầu tiêu dùng. “Theo quy luật chung, nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm khi thị trường lao động suy yếu bởi các hộ gia đình có xu hướng giữ tiền mặt để phòng trường hợp thất nghiệp” – Rob Haworth nhấn mạnh.
Tại Hội nghị thường niên Jackson Hole, ông Jerome Powell cũng đồng thời đề cập đến tầm quan trọng cũng như sự cấp thiết phải kiềm chế lạm phát; khẳng định bình ổn giá chính là nền tảng của nền kinh tế và trách nhiệm của Fed là ổn định giá cả một cách vô điều kiện.
Dù không hề đề cập đến việc liệu Fed có tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng tới hay không song các phát biểu của ông Powell cho thấy rõ quan điểm rằng Fed vẫn sẽ duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Thống kê cho thấy trong tháng 7/2022 tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã chậm lại. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) vốn được xem là thước đo lạm phát dù tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái song thấp hơn so với mức 6,8% của tháng 6/2022
Sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed tại Hội nghị thường niên Jackson Hole, các chỉ số chính của Wall Street liên tục lao dốc. Chốt phiên giao dịch, DJIA mất hơn 1.000 điểm, tương đương mức giảm 3%; tương tự S&P 500 giảm 3,4% và Nasdaq Composite giảm 3,9%. Tính chung cả tuần qua, DJIA giảm 4,2%, S&P 500 giảm 4% và Nasdaq Composite giảm 4,4%.
Có thể thấy chứng khoán Mỹ đi xuống là vì lo ngại thời kỳ lãi suất cao kéo dài với những hậu quả kinh tế khôn lường. Ông Powell cũng thẳng thắn thừa nhận để kiềm chế lạm phát, nền kinh tế Mỹ sẽ phải trả cái giá khá đắt. Tuy nhiên nếu không bình ổn được, hậu quả sẽ càng khủng khiếp hơn nữa mà dẫn chứng cụ thể nhất chính là bài học từ lạm phát thập niên 70 và 80.
Thảo Nhi