Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc tới kinh tế toàn cầu
Thị trường bất động sản của Trung Quốc đang ở giữa một cuộc khủng hoảng âm ỉ.
Giá bất động sản đã giảm mạnh khi các nhà chức trách tìm cách kiểm soát nợ không bền vững và đầu cơ thị trường. Hàng trăm nghìn người mua nhà đang từ chối thanh toán các khoản thế chấp của họ cho các bất động sản đã bán trước khi các chủ đầu tư phải vật lộn để hoàn thành các dự án nhà ở đúng hạn.
Với bất động sản chiếm 15-30 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, những vấn đề trong thị trường gây khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – và cả tăng trưởng toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc gây ra rủi ro đáng kể cho nền kinh tế của nước này, vốn đang bị căng thẳng do các chính sách “zero-COVID” khắc nghiệt của Bắc Kinh và tốc độ tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại. Theo một số ước tính, bất động sản chiếm 30% GDP – khoảng gấp đôi tỷ lệ tương đương ở Mỹ.
Mặc dù một số nhà phân tích tin rằng thị trường đã chạm đáy, nhưng vấn đề trong ngành dự kiến sẽ còn kéo dài trong một thời gian. Vào tháng 7, S&P Global Ratings ước tính rằng giá bất động sản sẽ giảm 30% trong năm nay – một mức giảm tồi tệ hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Alicia García-Herrero, chuyên gia về kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis ở Hồng Kông, cho rằng bởi các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc nắm giữ một lượng nợ tương đối nhỏ ở nước ngoài, nên nền kinh tế toàn cầu không được coi là có nguy cơ cao xảy ra khủng hoảng tài chính như giai đoạn xảy ra sự sụp đổ của Lehman Brothers ở Mỹ. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế Trung Quốc, vốn chiếm gần 1/5 GDP toàn cầu, có nghĩa là sự suy thoái lớn vẫn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng toàn cầu.
García-Herrero nói với Al Jazeera: “Tác động toàn cầu chủ yếu là do tăng trưởng rất thấp từ Trung Quốc, nó không ảnh hưởng nhiều đến tài chính. Tất nhiên, nếu các ngân hàng Trung Quốc cuối cùng không thể nuốt trôi cú sốc này và các khoản nợ xấu của họ tăng lên ồ ạt và có một cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc – điều mà tôi không nghĩ sẽ xảy ra ngay lập tức – thì nó sẽ giống như Nhật Bản trong những năm 80 và những năm 90. Vì vậy, theo tôi, với gánh nặng là các khoản nợ xấu, không có tín dụng, nền kinh tế sẽ hoạt động rất yếu kém và dẫn tới giảm phát, Vì vậy, thế giới sẽ không chứng kiến một sự kiện kiểu Lehman ngay lập tức”.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã ước tính rằng GDP Trung Quốc cứ giảm 1 điểm % thì GDP toàn cầu giảm 0,3%.
Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu rằng hỗ trợ thị trường bất động sản là một nhiệm vụ quan trọng mặc dù họ quyết tâm giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào lĩnh vực này.
Tại một cuộc họp của cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc vào tháng 7, các quan chức cho biết cần phải “ổn định” thị trường bất động sản đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo hoàn thành những căn hộ đã được bán trước.
Đầu tháng này, hãng truyền thông Trung Quốc Caixin đưa tin rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị phát hành khoản vay 200 tỷ nhân dân tệ (29,3 tỷ USD) để hoàn thành các dự án nhà ở chưa hoàn thành.
Bắc Kinh cũng đã thực hiện các biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế nói chung, chẳng hạn như giảm lãi suất và triển khai các biện pháp kích thích, bao gồm việc công bố 300 tỷ nhân dân tệ (44 tỷ USD) tín dụng mới vào tuần trước thông qua các ngân hàng chính sách do nhà nước điều hành.
Quốc Khánh