Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa Vùng Tàu
Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00070 cho sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng “Bà Rịa – Vũng Tàu”. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Ở Việt Nam, nhãn được trồng từ khá lâu đời. Miền Bắc nổi tiếng với nhãn lồng Hưng Yên, miền Nam nổi tiếng với nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là đặc sản của vùng “gió cát”.
Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa – Vũng Tàu được trồng ở xã Tóc Tiên, xã Châu Pha thuộc huyện Tân Thành; xã Phước Long Thọ, xã Phước Hội, xã Long Mỹ, xã Lộc An thuộc huyện Đất Đỏ; xã Phước Thuận, xã Hòa Hiệp, xã Bình Châu thuộc huyện Xuyên Mộc; phường 11, phường 12 thuộc thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Địa hình khu vực này là các dãy đồng bằng nhỏ hẹp, nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, khu vực trồng nhãn xuồng cơm vàng có mùa khô kéo dài từ 5 đến 6 tháng, độ ẩm không khí thấp trong thời gian thu hoạch.
Với đặc thù về điều kiện tự nhiên nên nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa – Vũng Tàu khác biệt hẳn so với nhãn xuồng cơm vàng của khu vực khác. Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa – Vũng Tàu có dạng hình chiếc xuồng, hai bên vai nhô lên, cao hơn cuống. Màu quả vàng da bò, nhẵn, có mùi thơm nhẹ, vị ngọt, không chua và không chát.
Chất lượng đặc thù của nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa – Vũng Tàu có được là nhờ điều kiện tự nhiên thích hợp với quá trình sinh trưởng của cây nhãn. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình canh tác của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên chất lượng và danh tiếng của nhãn xuồng cơm vàng. Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc, người dân đã tùy vào từng giai đoạn phát triển của cây mà bón phân cho phù hợp, giúp cho cây phát triển và tạo ra sản phẩm có chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp. Đây là kỹ thuật canh tác tạo ra đặc thù cho nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa – Vũng Tàu và làm cho sản phẩm ngày càng có vị thế trên thị trường.
Minh Đường