Giá dầu thế giới đổi chiều, lao dốc mạnh
Nhu cầu tiêu thụ dầu giảm do suy thoái kinh tế cộng với nguồn cung được cải thiện đẩy giá dầu giảm mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ xung đột Nga – Ukraine
Sau nhiều tuần tăng giá mạnh, kể từ ngày 1/8 đến nay giá dầu thế giới có xu hướng lao dốc; đặt trong bối cảnh GDP của Mỹ giảm trong hai quý liên tiếp (quý I/2022 giảm 1,6%, quý II giảm 0,9%). Giới đầu tư lo ngại sự sụt giảm GDP của Mỹ là khởi đầu cho chu kỳ tồi tệ của kinh tế toàn cầu, qua đó đẩy nhu cầu năng lượng sụt giảm mạnh kéo giá dầu giảm theo.
Cụ thể trong phiên giao dịch ngày 1/8, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 96,00 USD/thùng, giảm 0,75 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 103,19 USD/thùng, giảm 0,78 USD/thùng trong phiên.
Xu hướng giảm giá của dầu thô tiếp tục kéo dài trong các phiên giao dịch tiếp theo, đặt trong bối cảnh hầu hết các nhà máy, xí nghiệp đều đang phải vật lộn để phục hồi, và sẽ lại phải đối diện với thách thức mới khi nhu cầu tiêu dùng giảm do lạm phát. Chốt phiên giao dịch hôm 7/8, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 87,63 USD/thùng, tăng 0,07 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 94,46 USD/thùng, tăng 0,34 USD/thùng trong phiên.
Mặc dù đà giảm giá đã bị chặn và có xu hướng tăng trong phiên giao dịch ngày 7/8 song nếu tính bình quân trong tuần giao dịch vừa qua, giá dầu vẫn ghi nhận mức giảm tới 9%.
Theo các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới đang có dấu hiệu sụt giảm do những lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế ở châu Âu, cùng với chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc. Ngoài ra giá dầu thô còn chịu áp lực giảm giá bởi đồng USD mạnh hơn trước những rủi ro mới đối với kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên tỷ lệ nghịch với nhu cầu tiêu thụ có xu hướng giảm thì nguồn cung dầu đang có nhiều dấu hiệu tăng lên. Tại cuộc họp ngày 3/8, OPEC+ đã thống nhất tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9/2022. Ngoài ra phương Tây cũng đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào Nga, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
Thống kê từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy trong tuần trước dự trữ dầu thô của Mỹ đã đạt 426,6 triệu thùng, tăng thêm 4,467 triệu thùng và là mức tăng lớn nhất trong vòng một tháng trở lại đây. Con số này cũng vượt xa con số dự báo 600.000 thùng được đưa ra trước đó.
Sản lượng các nhà máy lọc dầu ở Mỹ cũng giảm 174.000 thùng/ngày, còn công suất hoạt động sụt giảm 1,2 điểm phần trăm. Trong khi dự trữ xăng đã tăng 200.000 thùng, trái ngược hoàn toàn so với mức kỳ vọng giảm 1,6 triệu thùng được đưa ra trước đó.
Bảo Anh