ABAC III 2022: Cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trong ABAC nói riêng và APEC nói chung
Kỳ họp III, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC III) năm 2022 do Việt Nam đăng cai, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng ABAC Việt Nam chủ trì sẽ diễn ra tại Tp.Hạ Long – tỉnh Quảng Ninh từ ngày 26-29/7 tới. Với chủ đề “Nắm bắt, Tham gia, Kiến tạo” (Embrace, Engage, Enable), ABAC III – năm 2022 được xem là cơ hội để nâng cao vị thế Việt Nam trong ABAC nói riêng và APEC nói chung…
Được biết trong kế hoạch ban đầu, ABAC III 2022 sẽ tổ chức tại Trung Quốc nhưng sau đó lại chuyển quyền đăng cai sang Việt Nam. Về sự chuyển hướng mang tính chất bước ngoặt này, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho biết kế hoạch hoạt động của ABAC trong năm 2022 bao gồm 4 kỳ họp: kỳ 1 diễn ra tại Singapore từ ngày 15-18/2; kỳ 2 diễn ra tại Vancouver (Canada) từ ngày 25-28/4; kỳ 3 sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào tháng 7/2022; kỳ 4 từ ngày 25-28/4 tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 13-16/11/2022.
Năm 2022, Thái Lan là Chủ tịch APEC nên ABAC Thái Lan cũng nắm giữ vai trò Chủ tịch ABAC. Để khuyến khích sự giao lưu trực tiếp giữa các thành viên thời kỳ hậu Covid-19, Thái Lan chủ trương thực hiện các cuộc họp trực tiếp, hạn chế họp trực tuyến. Tuy nhiên do một số yếu tố khách quan nên Kỳ họp ABAC III không thể tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung Quốc như dự kiến. Do đó Thái Lan đã đề nghị ABAC Việt Nam thay Trung Quốc đăng cai tổ chức Kỳ họp III của ABAC trong tháng 7/2022. “VCCI đã báo cáo và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc đăng cai tổ chức ABAC III. Việt Nam đăng cai tổ chức ABAC III trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang cố gắng phục hồi sau đại dịch Covid-19 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt thông qua sự kiện này sẽ giúp Việt Nam khẳng định được khả năng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, đồng thời minh chứng cho sự ổn định và điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam, góp phần thu hút hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới” – ông Công nhấn mạnh.
Theo đó Hội nghị ABAC III với chủ đề “Nắm bắt, Tham gia, Kiến tạo” sẽ được tổ chức tại Hạ Long (Quảng Ninh) – di sản thiên nhiên thế giới với sự tham dự của gần 200 đại biểu theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; trong đó có trên 130 đại biểu quốc tế sẽ đến Việt Nam tham dự trực tiếp, bao gồm các thành viên ABAC chính thức, thành viên ABAC dự khuyết là chủ tịch, CEO của các tập đoàn lớn tầm cỡ toàn cầu, một số quan chức APEC… Dự kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu chào mừng tại phiên khai mạc Kỳ họp ABAC III.
Nhân dịp này, VCCI sẽ phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức 2 hoạt động quan trọng gồm: Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh với tên gọi “Quảng Ninh 2022: Hội tụ và lan tỏa” diễn ra vào chiều ngày 26/7/2022 nhằm quảng bá về môi trường đầu tư kinh doanh và các cơ hội hợp tác của tỉnh; Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, hướng đến hình thành liên kết kinh tế 4 địa phương dọc theo con đường cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Móng Cái (Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) diễn ra vào chiều ngày 28/7.
Những chủ đề được thảo luận trong Kỳ họp III là những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp khu vực đặc biệt quan tâm, hướng đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Đặc biệt, kỳ họp này của ABAC là sự kiện quan trọng để Hội đồng xây dựng báo cáo khuyến nghị của doanh nghiệp gửi lên các bộ trưởng phụ trách tài chính, các bộ trưởng phụ trách thương mại, các thống đốc ngân hàng và chuẩn bị nội dung cho Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo APEC với ABAC tại Tuần lễ cấp cao APEC 2022 vào tháng 11/2022 tại Thái Lan tới đây.
Theo ghi nhận của người đứng đầu VCCI, việc Việt Nam đồng ý đăng cai Kỳ họp III ABAC được bạn bè quốc tế rất trân trọng cũng như đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam trong cộng đồng APEC. Việc đăng cai tổ chức Kỳ họp III ABAC trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phục hồi mạnh mẽ và tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt sẽ là cơ hội để Việt Nam quảng bá về chính sách khuyến khích thương mại và đầu tư; đồng thời giới thiệu môi trường kinh doanh thông thoáng, đa sức hút…Cụ thể hơn, Kỳ họp III ABAC sẽ góp phần thúc đẩy những ưu tiên của Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu ứng phó bệnh dịch, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững. Đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đồng thời khẳng định vị thế “điểm sáng” của đầu tư quốc tế trong thời kỳ bình thường mới với những chính sách đầu tư an toàn, cởi mở, hấp dẫn; chính phủ kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả. Ngoài ra việc đăng cai tổ chức Kỳ họp III ABAC cũng sẽ giúp nâng cao vị thế Việt Nam trong ABAC nói riêng và APEC nói chung.
APEC là tổ chức quốc tế kết nối 21 nền kinh tế thành viên vành đai Thái Bình Dương được thành lập từ năm 1989, với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị, là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. APEC quy tụ 15/30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 77% thương mại, gần 81% đầu tư trực tiếp và hơn 85% du lịch. APEC có tổng dân số 2,9 tỷ người (38% dân số thế giới), tổng GDP của các thành viên tương đương 62% GDP toàn cầu (52 nghìn tỷ USD), về thương mại chiếm tới 50% thương mại toàn cầu. Trong số 21 thành viên APEC, có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản); 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) (Australia, Canada, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Mỹ). |
Huy Anh