Mỹ gặp khó với kế hoạch áp trần giá lên dầu Nga
Để vừa duy trì nguồn cung dầu toàn cầu vừa hạn chế được nguồn thu của Moscow, Mỹ đang ra sức lôi kéo các nước, trong đó có cả các quốc gia châu Á cùng ủng hộ kế hoạch áp trần giá đối với dầu Nga
Trong chuyến công tác châu Á đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước G20 diễn ra vào ngày 15-16/7/2022tại Bali (Indonesia)
Trong chuyến công du lần này, bà Janet Yellen đặt mục tiêu tìm kiếm thêm sự ủng hộ của các nước châu Á trong nỗ lực áp trần dầu Nga (cho phép giao dịch dầu Nga tiếp tục diễn ra nhưng với mức giá không vượt quá một mức cố định). Đây được xem là thách thức ngoại giao – kinh tế mới nhất dành cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Trước đó các nhà lãnh đạo G7 đã yêu cầu nhóm bộ trưởng nghiên cứu triển khai kế hoạch này. Phương Tây có thể cấm bảo hiểm và vận chuyển dầu cùng các sản phẩm từ dầu của Nga, trừ phi giá bán dưới mức trần. Được biết bà Yellen sẽ đề cập đến kế hoạch áp trần giá đối với dầu Nga tại cả 3 điểm đến trong chuyến công tác châu Á lần này gồm: Tokyo – Nhật Bản, Seoul – Hàn Quốc, Bali – Indonesia.
Kế hoạch áp trần giá lên dầu Nga được Mỹ và các đối tác trong G7 tính đến đặt trong bối cảnh Nga tiếp tục kiếm bộn tiền từ hoạt động xuất khẩu dầu thô và khí đốt, bất chấp các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây. Trong khi đó các quốc gia phương Tây lại đang chật vật đối phó với tình trạng lạm phát leo thang, giá thực phẩm, giá nhiêu liệu tăng chóng mặt khi mùa đông đã cận kề.
Các quan chức tài chính Mỹ cho biết Washington đã bàn bạc kế hoạch áp trần giá đối với dầu Nga với nhiều quốc gia và nhận về nhiều tín hiệu tích cực. Theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, việc áp trần dầu Nga như “một mũi tên bắn trúng hai đích”, vừa giúp duy trì nguồn cung dầu toàn cầu vừa hạn chế được nguồn thu của Moscow để cung cấp cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tuy nhiên bên cạnh sự ủng hộ của các nước, kế hoạch này cũng nhận về nhiều sự chỉ trích vì quá phức tạp và khó thực hiện. Hiện tại cũng chưa rõ liệu các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc – cùng là thành viên G20 và là những nước mua nhiều dầu Nga nhất có hợp tác hay không. Chưa kể sự xuất hiện của Nga tại G20 cũng sẽ gây ra nhiều tranh cãi và khiến nhóm này khó ra tuyên bố chung.
sTheo ông Matthew Goodman – Phó Giám đốc phụ trách kinh tế tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế học tại Washington, nhiều khả năng Bộ trưởng Janet Yellen sẽ chuyển trọng tâm sang các cuộc thảo luận song phương và họp nhóm nhỏ để thúc đẩy chương trình nghị sự của Mỹ.
Thành Nam