Giá USD tăng “nóng”, lên mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây
Cùng với việc nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động trở lại, giá USD tại nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh lên 23.500 đồng – mức cao nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay
Cuối phiên giao dịch ngày 4/7, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tại Ngân hàng Nhà nước đứng ở mức 23.121 đồng, tăng 9 đồng so với cuối tuần trước. Đây cũng là mức cao nhất mà tỷ giá trung tâm ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay. Với biên độ dao động 3% trong ngày, các ngân hàng thương mại được phép niêm yết giá đồng USD dao động từ 22.427 đồng – 23.815 đồng/USD.
Cụ thể tại Vietcombank giá USD chiều mua vào là 23.200 đồng/USD và chiều bán ra là 23.510 đồng/USD, tăng 70 đồng/ USD ở chiều mua vào và bán ra. Tương tự tại Vietinbank, giá USD chiều mua vào là 23.211 đồng/USD và chiều bán ra là 23.511 đồng/USD, tăng 60 đồng/USD ở chiều mua vào và bán ra. Tại BIDV giá USD chiều mua vào là 23.240 đồng/USD và chiều bán ra là 23.520 đồng/USD, tăng 80 đồng/USD ở chiều mua vào và bán ra.
Tại một số ngân hàng tư nhân khác, giá bán USD cũng vượt mức 23.500 đồng ở phiên giao dịch buổi sáng cùng ngày. Cụ thể tại Sacombank giá USD chiều mua vào là 23.195/USD và chiều bán ra là 23.562 đồng /USD, tăng 50 đồng/USD ở chiều mua vào và bán ra. Tại Eximbank giá USD chiều mua vào là 23.260đồng/USD và chiều bán ra là 23.480 đồng/USD, tăng 40 đồng/USD ở chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước.
Như vậy giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 120 đồng trong vòng một tuần và tăng khoảng 240-270 đồng chỉ trong hai tháng tuỳ từng nơi. Trên thị trường tự do, giá USD cũng giao dịch sát ngưỡng 24.000 đồng, giá mua bán quanh mức 23.900 – 23.950 đồng.
Theo ghi nhận của giới chuyên gia, tỷ giá đồng USD chịu tác động của những bất ổn từ nền kinh tế toàn cầu, cán cân thương mại và dòng vốn FDI tăng mạnh. Nếu đồng USD tăng giá nhưng VNĐ vẫn ổn định sẽ dẫn đến VNĐ giảm giá so với USD, có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Đặt trong bối cảnh thị trường ngoại hối có nhiều diễn biến bất lợi khi đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, Ngân hàng Nhà nước liên tục rút bớt tiền VNĐ về, đồng thời bơm USD ra thị trường để thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền, giảm áp lực lên tỷ giá. Theo ước tính của Công ty chứng khoán Rồng Việt, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra thị trường 10 tỷ USD – tương đương 10% quỹ dự trữ ngoại hối. Lãnh đạo Vụ chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước) cũng khẳng định sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn.
Cũng nằm trong mục tiêu chung hỗ trợ thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước đã tái khởi động kênh phát hành tín phiếu, đẩy mạnh hoạt động hút tiền và chỉ trong hai tuần đã hút gần 177.600 tỷ đồng. Động thái tái khởi động kênh phát hành tín phiếu của NHNN sau 2 năm đóng băng nhằm mục đích hút về nguồn vốn đang dư thừa trên hệ thống ngân hàng, qua đó kiểm soát lãi suất liên ngân hàng
Việt Trung