Lãi suất huy động tăng có kéo lãi suất cho vay tăng theo?

Mới đây BIDV và Agribank đã công bố tăng lãi suất trở lại. Không chỉ 2 ngân hàng quốc doanh này mà kể từ cuối năm 2021 đến nay một loạt ngân hàng tư nhân cũng đã thực hiện tăng mạnh lãi suất huy động cá nhân. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu lãi suất huy động tăng có kéo lãi suất cho vay tăng trở lại?…

Thời điểm 1/6/2022, ngân hàng BIDV đã công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ tháng 6. Lần điều chỉnh lãi suất huy động gần nhất của BIDV cách đây gần 1 năm (từ tháng 8/2021). Đáng chú ý, BIDV đã tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) thêm 0,1%, lên 5,6%/năm. Trong khi đó, ngân hàng giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn ngắn, hiện kỳ hạn 6 tháng – 9 tháng là 4%/năm, kỳ hạn 3 – 5 tháng là 3,4%/năm, 1-2 tháng là 3,1%/năm.

Còn theo biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân vừa được Agribank công bố, kể từ tháng 7/2022 ngân hàng này chính thức tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng – 24 tháng lên 5,6%/năm (tăng thêm 0,1%). Đối với các kỳ hạn ngắn (1 tháng – 2 tháng; 6 tháng – 11 tháng; 3 tháng – 5 tháng), Agribank vẫn giữ nguyên mức lãi suất.

Trước BIDV và Agribank, một loạt các ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, ACB, VPBank, MB,…cũng liên tục tăng lãi suất huy động kể từ cuối năm 2021 đến nay; thậm chí có ngân hàng tăng gần 1% lãi suất huy động chỉ trong vòng nửa năm.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nhiều khả năng lãi suất huy động cũng sẽ tăng từ 1 – 1,5% trong cả năm 2022.

Ngoài ra việc lãi suất huy động tăng mạnh cũng đã ảnh hưởng đến chi phí vốn của các ngân hàng, tuy nhiên chi phí huy động sẽ vẫn duy trì thấp hơn mức trước dịch nhờ tỷ lệ CASA cao. Trong bối cảnh đó, lợi thế duy trì chi phí vốn thấp sẽ thuộc về các ngân hàng có khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức tín dụng quốc tế. Đặc biệt các ngân hàng có lưu lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh như Techcombank, MB, MSB, TPBank… sẽ huy động được nguồn vốn dồi dào hơn cũng như tiết giảm được chi phí vốn trong dài hạn.

Với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, Ngân hàng Nhà nước dành ưu tiên hàng đầu cho việc giữ ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp. Tuy nhiên VCBS cho rằng với tăng trưởng tín dụng dự báo đạt cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động cũng chịu áp lực tăng, kéo lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Cùng với đó là sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết dù chịu áp lực lớn từ xu hướng nới lỏng tiền tệ và tăng lãi suất trên toàn cầu song Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để các tổ chức tín dụng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất – kinh doanh sau đại dịch.

Theo số liệu mới được Tổng Cục Thống kê công bố, tính đến thời điểm 20/6/2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%); trong khi đó tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51%, cao hơn gấp 2,14 lần tốc độ huy động vốn trên toàn hệ thống. Một bất ngờ khác là vài tháng trở lại đây, tỷ lệ huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng có dấu hiệu tăng chậm lại dù đã tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2022 (đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng 3,59%).

Mặc dù chênh lệch tăng trưởng huy động và tín dụng khá lớn nhưng thanh khoản hệ thống lại có dấu hiệu dư thừa. Do nhiều ngân hàng đã hết “room” tăng trưởng tín dụng và đang đề nghị NHNN nới thêm nên kể từ ngày 21/6 đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về với con số lớn thông qua việc bán tín phiếu.

Nhật Hạ