Điện gió, mặt trời chưa đủ giúp Việt Nam đạt “net zero” vào năm 2050

Đây là nhận định của các chuyên gia năng lượng tại Tọa đàm “Chiến lược và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng Việt Nam”. Tọa đàm thu hút sự tham gia của trên 120 lãnh đạo, chuyên gia và chia sẻ của các diễn giả đến từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Viện Năng lượng, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Năng lượng T&T và Tập đoàn GE cùng các doanh nghiệp khác trong ngành năng lượng.

Các chuyên gia tham dự toạ đàm chuyển đổi năng lượng, ngày 22/6. Ảnh: Dũng Đỗ

Có thể thấy Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhăm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy.

Phát biểu tại Tọa đàn, chuyên gia năng lượng Sean Lawlor đến từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết Mỹ đã bắt đầu chuyển đổi từ hơn một thập kỷ trước, đến nay đã cắt giảm điện than còn một nửa, phát triển điện khí đạt 38% tổng hỗn hợp năng lượng đồng thời khuyến khích các giải pháp năng lượng sạch. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực này bằng mục tiêu lắp đặt 30 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và nâng tỉ trọng điện mặt trời lên tới 40% trong hỗn hợp năng lượng vào năm 2035.

Tại Việt Nam, năng lượng tái tạo hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống điện. Thống kê của Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho thấy đến cuối năm 2021, tổng công suất điện gió, điện mặt trời khoảng 20.670 MW, đạt gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện các nguồn điện này đạt 31,5 tỷ kWh, tương đương gần 12,3% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. 6 tháng đầu 2022, con số này tăng lên khoảng 15% sản lượng điện hệ thống.

Tuy nhiên chuyên gia Sean Lawlor cho rằng điện gió, điện mặt trời không phải là nguồn năng lượng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng. Thay vào đó Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ các quốc gia khác, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi nhiên liệu. Bên cạnh việc khai thác tối đa, hợp lý các nguồn điện tái tạo từ điện mặt trời, điện gió…, Chính phủ Việt Nam cần xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch dùng than sang LNG, biomass, amoniac hoặc hydrogen khi công nghệ đã được kiểm chứng, thương mại hoá… Việc này sẽ giúp đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050. Song song đó Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp sáng tạo về chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, hướng đến thực hiện cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu tại Hội nghị COP26. Mỹ sẵn sàng chia sẻ công nghệ, vốn, chuyên môn về chính sách và kỹ thuật để đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hưng – Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để “bước đi nhanh hơn” trong quá trình chuyển đổi năng lượng khi sở hữu nguồn tài nguyên, nhất là năng lượng tái tạo đa dạng, phong phú và nằm trong khu vực tiềm năng của trao đổi giao thương năng lượng… “Nút thắt” ở đây là nguồn tài nguyên sơ cấp truyền thống (than, thuỷ điện…) đang suy giảm nhanh chóng; chưa kể việc huy động một lượng vốn lớn cho quá trình chuyển đổi này cũng không phải chuyện “một sớm một chiều” là có thể làm được.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho rằng vấn đề chi phí thực sự là một bài toán khó cho Việt Nam khi chuyển đổi năng lượng sang các dạng năng lượng mới hơn như biomass, amoniac, hydrogen trong tương lai. Các công nghệ mới này có chi phí rất cao, lại chưa được chấp nhận thương mại.

Ông Deepak Maloo, Giám đốc mảng điện gió, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn GE (Mỹ) cũng thừa nhận trên con đường chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn, quốc gia nào cũng sẽ gặp khó khăn đối với vấn đề chi phí, giá bán hợp lý…Tuy nhiên nếu biết phát triển tích hợp các nguồn năng lượng song hành cùng ứng dụng công nghệ thì đây sẽ là lời giải thỏa đáng cho bài toán hóc búa này. Đối với Việt Nam lại càng có lợi thế hơn khi về mặt công nghệ, đất nước hình chữ S đã có thời gian làm việc với các công ty có hàng trăm năm kinh nghiệm để chuyển dịch các nhà máy dùng than sang khí.

Để quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam diễn ra được thuận lợi và hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng việc xây dựng khung khổ pháp lý cho các lĩnh vực phải giữ vai trò trụ cột. Đơn cử như quy hoạch điện VIII tới đây sẽ ưu tiên phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi thì cơ chế, chính sách ra sao để đạt mục tiêu này cũng cần phải rõ ràng.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đề cập tới việc thúc đẩy phát triển dịch vụ phụ trợ, cơ chế cho hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) bởi cơ chế này có thể hoạt động như một nguồn tích hợp để cung cấp nguồn dự trữ khi xảy ra chênh lệch giữa cung và cầu trong hệ thống điện (sự cố tổ máy, giảm đột ngột thế hệ năng lượng tái tạo…). “Nếu thiếu cơ chế phát triển thị trường dịch vụ phụ trợ thì rất khó đưa BESS, nguồn phân tán… vào vận hành chung trong hệ thống điện, thị trường điện khi chuyển đổi năng lượng. Ngoài ra cũng cần chú trọng thúc đẩy các chương trình điều chỉnh phụ tải điện thương mại nhằm cải thiện khả năng đáp ứng của tải trọng dựa trên thị trường; cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới về vận hành hệ thống điện và thị trường…” – ông Ninh lưu ý.

Ngọc Anh