Chuyển đổi số thành công cần sự hợp lực của ba chủ thể chính quyền, doanh nghiệp và người dân
Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2022 (Vietnam – Asia DX Summit 2022) có 6 phiên hội thảo, trong đó phiên chuyên đề “Lãnh đạo địa phương hợp lực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số” đi vào phân tích, mổ xẻ nhiều vấn đề nổi cộm trong công cuộc chuyển đổi số thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình – người đảm nhận vai trò dẫn dắt tọa đàm “Chuyển đổi số là sự nghiệp của toàn dân – Vai trò của lãnh đạo địa phương trong chuyển đổi số” cho biết bức tranh chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra vô cùng tích cực và hứng khởi. Thống kê từ Bộ Thông tin và truyền thông cho thấy đến đầu tháng 5/2022, Việt Nam có 63/63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, 55/63 địa phương ban hành nghị quyết về chuyển đổi số và 59/63 địa phương đã ban hành chương trình/đề án hoặc kế hoạch chuyển đổi số trong giai đoạn 5 năm. Nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi số trong cả nước, Chính phủ cũng đã ban hành quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở nhiều tỉnh thành bước đầu đã phát huy hiệu quả thiết thực, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.
Tại sự kiện, ông Bình cũng chia sẻ câu chuyện thành công của quận 7 – Tp.HCM trong giai đoạn cao điểm của Covid-19. Với sự quyết tâm của lãnh đạo, chỉ trong thời gian ngắn, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch và phục hồi kinh tế quận 7 đã được quận và FPT đưa vào sử dụng giúp quận thu ngân sách tháng 10/2021 bằng cả quý 3/2021. Trong giai đoạn hiện tại, Trung tâm này được chuyển đổi sang phục vụ mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh, giúp cán bộ theo dõi các chỉ số về kinh tế, giao thông; người dân tiết kiệm thời gian cho các công tác hành chính công..
Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông: “Định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số”.
Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội và thành quả ban đầu đạt được, người đứng đầu FPT cũng đồng thời lưu ý những thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, đó là mô hình phân cấp cụ thể của quốc gia. Việt Nam là quốc gia nhất thể nhưng 63 tỉnh thành của quốc gia phụ trách phần lớn việc quyết định và thực thi chuyển đổi số. “Muốn chuyển đổi số thành công cần hội đủ hai điều kiện tiên quyết: cam kết của lãnh đạo và ngân sách. Chuyển đổi số quốc gia chỉ thành công khi từng địa phương, từng doanh nghiệp thành công. Để làm được điều này, mỗi tỉnh thành, mỗi địa phương và doanh nghiệp cần tìm ra cho mình một nhà lãnh đạo chuyển đổi số có khát vọng thay đổi, truyền cảm hứng và thúc đẩy kết nối để toàn bộ tổ chức, cá nhân cùng song hành, cùng sáng tạo, cùng hành động” – ông Bình nhấn mạnh.
Khẳng định người lãnh đạo luôn giữ vai trò quan trọng nhất trong chuyển đổi số, ông Nguyễn Quang Thanh – Thành ủy viên, Phó trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp.Đà Nẵng cho biết chuyển đổi số là một quá trình lâu dài với sự tham gia của ba chủ thể chính (chính quyền, doanh nghiệp, người dân) và ở mỗi giai đoạn vai trò của các chủ thể cũng sẽ có sự chuyển đổi khác nhau. Trong giai đoạn hiện nay – giai đoạn đầu của chuyển đổi số, khi chuyển đổi nhận thức, đặt nền tảng cho chuyển đổi số thì vai trò của lãnh đạo rất quan trọng. Tuy nhiên khi bước sang giai đoạn triển khai, doanh nghiệp lại giữ vai trò rất lớn. Còn khi đã xây dựng thành công một hệ thống, tạo được niềm tin, có chính sách thì người dân – người trực tiếp sử dụng các dịch vụ, tiện ích thông minh lại giữ vai trò quan trọng, đóng góp vào sự tồn tại của các hệ thống cũng như vào hiệu quả của công cuộc chuyển đổi số.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT: “Với kinh nghiệm đồng hành cùng hơn 40 tỉnh thành thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, FPT đang cùng các tỉnh, thành triển khai bốn nhiệm vụ trọng yếu gồm: thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thành phố thông minh. Mục tiêu cuối cùng chúng tôi muốn hướng đến là đem lại một hiệu ứng rõ ràng về tăng trưởng GRDP, tăng trưởng các chỉ số cải cách hành chính, cạnh tranh, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.
Đồng quan điểm với ông Thanh, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng khẳng định người lãnh đạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác chuyển đổi số. Lãnh đạo chính là người đặt ra chủ trương, là người dẫn dắt, quyết định những giải pháp cụ thể, thậm chí là tìm kiếm nguồn lực để triển khai. Tuy nhiên khi công cuộc chuyển đổi số đã dần định hình thì cộng đồng thụ hưởng, sử dụng – ở đây là người dân, doanh nghiệp và cộng đồng lại giữ vai trò quan trọng hơn cả.
Như vậy các lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp tham gia tọa đàm “Chuyển đổi số là sự nghiệp của toàn dân – Vai trò của lãnh đạo địa phương trong chuyển đổi số” đều thống nhất quan điểm rằng để thành công trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cần thiết phải có sự hợp lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ban ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cũng như người dân, doanh nghiệp – những đối tượng trực tiếp thụ hưởng, sử dụng các dịch vụ, tiện ích thông minh.
Quang Tùng