Nâng cao hiệu quả ứng phó với phòng vệ thương mại – Những khuyến nghị dành cho doanh nghiệp
Tỷ lệ thuận với sự sôi động của hoạt động xuất nhập khẩu, những năm gần đây số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có chiều hướng tăng nhanh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thống kê của Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với 212 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã tiến hành điều tra 25 vụ việc PVTM, trong đó có 16 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ, 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM và 1 vụ việc chống trợ cấp.
Theo bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục PVTM, các thị trường có tần suất điều tra nhiều là Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Australia và Canada. Hậu quả của việc bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa made in Vietnam và kim ngạch xuất khẩu cả ngành hàng, làm suy giảm vị thế là quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong khu vực của Việt Nam.
Lãnh đạo Cục PVTM đánh giá với chất lượng vượt trội, giá thành cạnh tranh, những năm gần đây hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thâm nhập thành công và khẳng định vị thế vững chắc tại nhiều thị trường lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều này vô hình chung cũng tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho các ngành sản xuất tại nước sở tại, buộc chính phủ các nước này phải sử dụng đến các biện pháp PVTM (chống bán phá giá, chống trợ cấp…) để bảo vệ nền sản xuất nội địa. Thậm chí, nhiều nước coi phòng vệ thương mại là “van an toàn” trong chính sách ngoại thương để ổn định sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm của người lao động. Đó là lý do các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM.
Trong bối cảnh đó, nhằm ứng phó với nguy cơ bị điều tra PVTM cũng như ứng phó, xử lý các cuộc điều tra PVTM với hàng xuất khẩu Việt Nam và cả khi hàng hóa Việt Nam đã bị áp thuế, Bộ Công Thương đã tăng cường cảnh báo sớm để doanh nghiệp sớm phòng bị; đồng thời chủ động tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các kịch bản có thể xảy ra cũng như các rủi ro có thể đối mặt. Thông qua những nỗ lực này đã giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.
Tuy nhiên đặt trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng phát triển, các biện pháp phòng vệ thương mại được các nước sử dụng nhiều hơn để bảo nền sản xuất trong nước thì rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng ngày càng lớn hơn. Trước thực tế này, bà Phạm Châu Giang khuyến nghị các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp cần chủ động hơn trong ứng phó với nguy cơ bị điều tra PVTM. Cụ thể các hiệp hội, ngành hàng cần phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, đại diện tiếng nói để bảo vệ lợi ích chung của ngành.
Về phía các doanh nghiệp, để bảo vệ mình, các doanh nghiệp phải luôn theo sát thông tin thị trường; thường xuyên trao đổi thông tin với đối tác nhập khẩu, đặc biệt là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu; tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu, thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương. Ngoài ra để đạt hiệu quả kháng kiện cao hơn, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chú trọng hoàn thiện và quản trị hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế; tích cực phối hợp với Bộ Công Thương trong việc ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để để bảo vệ quyền lợi của bản thân cũng như bảo vệ lợi ích chung của ngành.
Phó Cục trưởng Cục PVTM cũng lưu ý doanh nghiệp không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ trong các vụ việc điều tra PVTM sẽ bị áp thuế cao dựa trên dữ liệu bất lợi sẵn có (AFA) do cơ quan điều tra thu thập được, dẫn tới nguy cơ mất thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy nếu bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc. Doanh nghiệp cũng có thể xem xét sử dụng luật sư tư vấn am hiểu pháp luật PVTM của WTO và nước điều tra (nếu cần); phối hợp với hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu khác để cùng xử lý; đồng thời giữ liên lạc, trao đổi thường xuyên với Cục PVTM, Bộ Công Thương để thống nhất nội dung trả lời trong vụ việc điều tra chống trợ cấp hoặc vấn đề “thị trường đặc biệt” trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
Trung Quân