Kiểm soát chi tiêu cùng “Quy tắc 1%” của Glen James
Việc mua sắm thường mang lại niềm vui nhưng cũng dễ khiến bạn hối hận, nhất là với những quyết định mua sắm mang tính tự phát, vốn không có trong kế hoạch ban đầu. Để kiểm soát chi tiêu bốc đồng, bạn có thể cân nhắc thử ““Quy tắc 1%”” của Glen James – nhà phân tích tài chính và người dẫn chương trình về tài chính hàng đầu Australia
““Quy tắc 1%”” được Glen James nghĩ ra sau khi mua một chiếc Apple Watch với giá lên tới 1.300 USD và chỉ một ngày sau đó lại cảm thấy hối hận bởi thật sự bản thân không có ý định mua một chiếc đồng hồ có giá trị cao như vậy.
Theo quy tắc này, nếu muốn mua món gì có giá bằng 1% tổng thu nhập hàng năm, bạn nên dừng lại đợi một ngày trước khi quyết định. Trong khoảng thời gian này, hãy tự hỏi bản thân xem món cần mua có thực sự cần thiết không? Bạn có thể mua được không? Bạn sẽ thực sự sử dụng món hàng này? Bạn có hối hận sau khi mua không?… Nếu sau một ngày đêm suy nghĩ, bạn vẫn thấy cần thiết mua món hàng đó thì không cần phải chần chừ gì nữa.
“Quy tắc 1%” áp dụng hiệu quả cho việc chi tiêu tùy ý, cho những thứ bạn muốn nhưng không thật sự cần thiết như: giày thể thao mới, máy chơi game phiên bản mới nhất, phụ kiện điện tử xinh xắn đang là “hot trend” trên mạng xã hội…
Giả sử tổng lương hàng năm của bạn là 200 triệu đồng và bạn muốn mua một chiếc loa bluetooth hình máy phát đĩa than có giá 2 triệu đồng. Ngay cả khi chiếc loa bạn đang dùng bị hư, bạn vẫn cần đợi một ngày suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định bởi trên thực tế bạn vẫn có thể mua một mẫu loa nào đó rẻ hơn, chỉ cần chất lượng âm thanh đáp ứng đủ nhu cầu mà thôi.
Với Glen James, “Quy tắc 1%” đã trở thành kim chỉ nam trong chi tiêu và phát huy hiệu quả thiết thực đối với cá nhân ông. Tuy nhiên, nhà phân tích tài chính này cũng lưu ý “Quy tắc 1%” chỉ phát huy hiệu quả đối với những người có thu nhập từ 200.000 USD/năm trở xuống (khoảng 4,6 tỷ đồng) và sẽ không hiệu quả đối với những người có thu nhập từ 2 triệu USD/năm trở lên. Còn đối với những người có thu nhập siêu cao, 1% lương hàng năm của họ có thể tạo ra số tiền giới hạn quá cao.
Đối với những người có thu nhập thấp, 1% cũng có thể là quá nhiều và Glen James khuyến nghị các đối tượng này nên đặt giới hạn nhỏ hơn, đơn cử như 0,5%. Dù là tỷ lệ phần trăm nào, nó cũng có ý nghĩa nếu dựa trên tình hình tài chính, nhu cầu chi tiêu thật, mục tiêu cũng như các ưu tiên của bản thân mỗi người.
Ngoài “Quy tắc 1%”, dĩ nhiên vẫn còn nhiều quy tắc khác để kiểm soát chi tiêu bởi vẫn có nhiều người tự đặt giới hạn chi tiêu cho bản thân. Quy tắc của James ví như một “trạm kiểm soát tinh thần” – một lời nhắc nhở mọi người hãy suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ trong chi tiêu, tránh tình trạng lãng phí hoặc “vung tay quá trán”.
Đặc biệt đối với những người muốn tiết kiệm để mua nhà hoặc nghỉ hưu sớm, họ hoàn toàn có thể hạn chế mức chi tiêu để tiết kiệm tiền và đạt được mục tiêu nhanh hơn. “Chiến thắng về tài chính cá nhân thường bắt đầu từ quầy bán hàng hoặc trang thanh toán trực tuyến. “Quy tắc 1%” không dành cho tất cả mọi người. Chỉ cần nhớ rằng các chiến lược tốt nhất để quản lý tiền của bạn là những chiến lược đủ đơn giản để gắn bó trong nhiều năm tới” – Glen James nhấn mạnh.
Vy Ân