Hiệp định RCEP và cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam
Kể từ từ tháng 1/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng đầu tư từ khu vực này, đồng thời mang lại cơ hội mới cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong việc nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu, tìm kiếm hợp tác và liên doanh với các đối tác nước ngoài.
Ưu đãi thuế quan hấp dẫn
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết Hiệp định RCEP có hiệu lực mang lại cơ hội mới cho DN Việt Nam khi có thêm một con đường xuất khẩu và nhập khẩu ưu tiên với các đối tác này. DN có thêm lựa chọn hưởng ưu đãi thuế quan và điều kiện phi thuế quan được chuẩn hóa trong khuôn khổ RCEP và các môi trường có liên quan giữa Việt Nam với các nước RCEP.
Tuy nhiên vấn đề cần lưu ý ở đây là các ưu đãi từ RCEP dễ tận dụng hơn so với các FTA khác do nó mang lại điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan, hay còn gọi là quy tắc xuất xứ nội khối một cách hài hòa, bao trùm. Tùy thuộc vào mức độ, hiện trạng, nguồn cung, cách thức sản xuất…, các DN có nhiều lựa chọn khác nhau để hưởng ưu đãi thuế quan theo hướng có lợi nhất. Ngoài ra, các nước trong RCEP đang ở các trình độ phát triển khác nhau, có cơ chế quản lý khác nhau đối với xuất nhập khẩu cũng như giao dịch thương mại quốc tế. Do đó các doanh nghiệp có thể yên tâm phần nào. “DN có thể hưởng lợi ở góc độ RCEP nhờ đạt những cam kết chuẩn tối thiểu về một số biện pháp phi thuế quan. Điều này sẽ ảnh hưởng quan trọng đến dòng lưu chuyển hàng hóa, hoạt động xuất nhập khẩu của DN. Do đó các DN cần quan tâm đến cam kết trên. Nếu trong quá trình thực hiện các giao dịch với các đối tác RCEP và liên quan đến thủ tục đã có cam kết, chúng ta biết được quyền và tận dụng tối đa, bảo vệ lợi ích của mình” – Giám đốc Trung tâm WTO khuyến nghị.
Cũng theo bà Trang, Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường cho các đối tác trong RCEP thông qua loại bỏ hàng rào thuế quan, cắt giảm theo lộ trình nhất định và điều này giúp hàng hóa của RCEP có thêm con đường vào Việt Nam. Về lý thuyết, Việt Nam phải sẵn sàng cho tình huống nhập khẩu từ các nước RCEP tăng lên bởi điều này có thể tạo ra ảnh hưởng tương đối lớn trong bối cảnh các nước RCEP đang chiếm tới 70% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ toàn thế giới.
Tuy nhiên từ góc độ cam kết của RCEP, sau khi Hiệp định này có hiệu lực, nhập khẩu từ các nước RCEP có thể tăng lên nhưng quan ngại về việc tạo ra 1 cú sốc lớn và làm thay đổi thị thường, khiến cho thị trường “lũ lụt” bởi hàng hóa nhập khẩu từ các nước RCEP không hẳn là hiện thực bởi trong RCEP, các nhà đàm phán của Việt Nam đã đạt được kết quả tương đối phù hợp và những cam kết của RCEP về ưu đãi thuế quan cũng tương tự với các hiệp định mà Việt Nam đã có từ trước. Bên cạnh đó lộ trình cam kết cũng tương đối dài, không đơn thuần chỉ 1-2 năm mà có thể lên đến 10 năm, 20 năm nhằm tạo sự thay đổi dần dần giúp các DN dễ dàng thích ứng.
Ngoài ra trong một số trường hợp nhất định, việc nhập khẩu từ các nước RCEP là cơ hội Việt Nam gia tăng sản xuất, xuất khẩu. Không phải trong mọi tình huống, nhập khẩu gia tăng mang lại tác động xấu cho nền kinh tế. Vì vậy đối với vấn đề nhập siêu, gia tăng nhập khẩu, gia tăng cạnh tranh ở thị trường trong nước dưới tác động của RCEP, Việt Nam cần có một cái nhìn thực tế, bám sát vấn đề cụ thể về cam kết, lĩnh vực hoạt động cũng như triển vọng kinh doanh của từng ngành và phải đặt trong bối cảnh năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất, xuất khẩu của thị trường trong nước
Trước RCEP, Việt Nam cũng đã có 15 FTA và tất cả các hiệp định này đều có hiệu lực song song với nhau. Đơn cử Việt Nam có 3 FTA với Hàn Quốc (FTA ASEAN – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Hàn Quốc, RCEP) và có thể trong thời gian tới có cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mỗi FTA có cam kết riêng, Hàn Quốc có cam kết với Việt Nam ưu đãi thuế quan khác nhau và quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi đó. Tùy thuộc vào quy trình sản xuất, chuỗi cung ứng của sản phẩm và các điều kiện khác, doanh nghiệp đáp ứng được quy tắc của hiệp định nào thì hưởng ưu đãi của hiệp định đó. Nếu đáp ứng cùng lúc hai hoặc ba hiệp định, tất nhiên doanh nghiệp có thể lựa chọn hiệp định có ưu đãi thuế quan tốt nhất. Đây cũng là thông tin hữu ích khi DN tiếp cận khách hàng, nhất là khi thuyết phục họ mua hàng của mình. Nếu khách hàng mua hàng của nước nào đó, giá có thể thấp hơn nhưng họ không được hưởng ưu đãi thuế quan. Đối với Việt Nam, giá có thể chưa cạnh tranh bằng nhưng lại được hưởng lợi ưu đãi thuế quan từ FTA. Đây sẽ là điểm doanh nghiệp có thể đưa vào chiến lược kinh doanh của mình.
Hiện thực hóa các cơ hội từ RCEP
Từ kinh nghiệm thực thi các FTA trước đó, cơ quan nhà nước, hiệp hội, DN đã có sự chuẩn bị đầy đủ, chính xác, cũng như có hành động hợp lý để tận dụng cơ hội. Đây là điều kiện tiên quyết hiện thực hóa các cơ hội từ FTA.
Tương tự ngay khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam đã có kế hoạch hành động thực thi Hiệp định tiếp nối các FTA đã thực thi như CPTPP, FTA Việt Nam – EU (EVFTA), FTA Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA). Các kế hoạch này không chỉ bao gồm việc thực thi, cam kết hiệp định (xây dựng văn bản pháp luật, biểu thuế, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, phổ biến tuyên truyền trực tiếp các FTA…) mà còn có phần quan trọng là nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nền kinh tế để tạo đà, chuẩn bị sức lực cho hiện thực hóa các cơ hội.
Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm WTO, các cơ hội vẫn ở đó nhưng để biến thành lợi nhuận thực tế lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nội lực của chính các DN. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ, thực chất thì sẽ rất có lợi vì không chỉ bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, chuyển đổi số… Những bước tiếp cận chuẩn xác, không chỉ tập trung vào cam kết mà còn tạo ra được nền tảng, môi trường tốt cho các DN phát triển và tận dụng cam kết.
Tuy nhiên bất cập hiện nay là dù RCEP đã có hiệu lực nhưng vẫn chậm ban hành biểu thuế ưu đãi bởi việc chuyển từ cam kết sang biểu thuế không phải đơn giản. Việt Nam bắt đầu cam kết trong RCEP là 8 năm, thời điểm đó sử dụng hệ thống mã HS, biểu thuế quan khác, bây giờ lại là biểu thuế khác nên việc chuyển biểu thuế quan sang biểu mới là không phải làm ngay được.
Vấn đề thứ hai liên quan đến quy trình soạn thảo văn bản, quy phạm pháp luật. Có thể thấy tất cả các biểu thuế phải được ban hành ở cấp nghị định, trong khi đó để ban hành cấp nghị định cần thời gian dài, hay việc lấy ý kiến cũng mất 6 tháng. Tất nhiên đã có nhiều văn bản được Chính phủ, Quốc hội ban hành quy trình rút gọn nhưng rút gọn cũng cần phải có khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên bà Trang thừa nhận biểu thuế ưu đãi chậm ban hành một phần cũng do chưa có sự chuẩn bị tốt. Trước đó CPTPP đã chậm 7 tháng, EVFTA chậm 2-3 tháng…Riêng Hiệp định RCEP tương đối phức tạp vì trong RCEP có tầng cam kết thuế quan nhiều và số lượng đối tác cũng nhiều hơn. “Từ trước khi RCEP có hiệu lực, dự thảo Nghị định biểu thuế để thực thi Hiệp định đã được công khai và lấy ý kiến doanh nghiệp. Trong bối cảnh vẫn chưa có văn bản ban hành biểu thuế ưu đãi thực thi RCEP, các DN cần chú ý các văn bản này bao giờ cũng có hiệu lực hồi tố. Do đó các DN cần có sự chuẩn bị trước, trong trường hợp có hiệu lực hồi tố, những lô hàng đã nhập khẩu từ trước đó có thể tận dụng được, chứ không phải là hoàn toàn mất cơ hội” – Giám đốc Trung tâm WTO lưu ý.
Thành Nam