Quan hệ Trung-Nhật ‘ở ngã ba đường’

Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Kong Xuanyou cảnh báo: Quan hệ Trung-Nhật căng thẳng có thể xấu đi nếu Tokyo tiếp tục coi Bắc Kinh là đối thủ và không xoay chuyển được dư luận ngày càng thù địch.
Trong một bài phát biểu trực tuyến trước hơn 100 doanh nhân Nhật Bản vào thứ Ba, đại sứ Trung Quốc Kong Xuanyou cũng cho thấy sự thất vọng của Bắc Kinh đối với chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida do mối quan hệ chặt chẽ của Nhật Bản với Washington chống lại Trung Quốc.
Kong nói: “Nếu một số người ở Nhật Bản bị ám ảnh bởi tầm nhìn địa chính trị hạn hẹp và tâm lý đối đầu giữa các phe trong Chiến tranh Lạnh, họ sẽ tự nhiên không thích Trung Quốc và coi Trung Quốc là một mối đe dọa hoặc thậm chí là kẻ thù, và dấn thân vào con đường sai lầm khi tự chống lại những người láng giềng”.
Phát biểu của ông Kong được đưa ra trong một cuộc hội thảo do Tổ chức Xúc tiến Đầu tư Nhật-Trung tổ chức để kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật. Ông cảnh báo: Tình trạng quan hệ song phương không còn lý tưởng, với những vấn đề nổi cộm cả cũ và mới đan xen lẫn nhau. Chúng ta đang ở ngã ba đường, nơi chúng ta có thể tiến lên phía trước hoặc sẽ bị thụt lùi”.
Ban đầu, Bắc Kinh coi Thủ tướng Kishida, người lên nắm quyền vào tháng 10 năm ngoái, là nhân vật ôn hòa hơn những người tiền nhiệm bảo thủ Yoshihide Suga và Shinzo Abe. Nhưng gần bảy tháng sau nhiệm kỳ của ông, quan hệ song phương có ít dấu hiệu cải thiện, trong đó Tokyo xích lại gần Washington hơn trong cách tiếp cận dựa trên liên minh nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trao đổi song phương cấp cao phần lớn đã bị đình chỉ, khi ông Kishida chỉ nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần qua điện thoại kể từ khi ông nhậm chức.
Đầu tuần này, Nhật Bản đã theo chân Mỹ và Australia trong việc cử một phái đoàn đến quần đảo Solomon, để bày tỏ quan ngại về hiệp ước an ninh của quốc gia Thái Bình Dương với Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở đó.
Tokyo cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tập trung vào Trung Quốc của Washington và Nhóm Bộ tứ.
Trong bài phát biểu của mình, Kong đã đặc biệt đề cập đến vấn đề “định kiến sâu sắc về ý thức hệ trong dư luận Nhật Bản” đối với Trung Quốc và lên án Mỹ.
Kong liệt kê ba lĩnh vực chính mà ông tin rằng đã chứng kiến Tokyo tiến tới một cách tiếp cận ngày càng đối nghịch với Bắc Kinh, đó là: cách nhìn nhận về các hệ thống chính trị khác nhau của họ; làm thế nào để cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác; và cách đánh giá vai trò của Trung Quốc trên thế giới.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh tại Nhật Bản cũng tìm cách giảm bớt những lo ngại ngày càng tăng về sự độc đoán của Trung Quốc ở trong nước và sự quyết đoán về mặt ngoại giao ở nước ngoài, thể hiện nước này là một cường quốc nhân từ, có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả cuộc chiến Ukraine.
Trúc Dung