Vụ phong tỏa tại Thượng Hải ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất Hồng Kông
Các nhà sản xuất Hồng Kông đang dự đoán sẽ phải chịu đựng những khó khăn trong ngắn hạn do việc vụ phong tỏa ở Thượng Hải gây ra, nhưng một số hy vọng rằng việc nối lại tất cả các hoạt động ở các cảng vào giữa tháng 5 có thể giúp giảm thiểu tác động.
Một số doanh nghiệp đã tiếp tục hoạt động sản xuất ở Thượng Hải theo hệ thống “khép kín”, nơi công nhân được yêu cầu sống tại chỗ và không tiếp xúc với người ngoài trong khi thành phố ghi nhận số người tử vong gia tăng và các trường hợp có triệu chứng.
Việc phong tỏa 26 triệu cư dân trên toàn thành phố đã có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 4 và các nhà chức trách vẫn chưa đưa ra khung thời gian rõ ràng để dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt.
Eugene Chan, giám đốc điều hành của hãng sản xuất tụ điện Man Yue Technology và là phó chủ tịch của Hội đồng các nhà công nghiệp trẻ Hồng Kông cho biết: “Chúng tôi đã tính đến việc giảm bớt hoạt động kinh doanh trong thời gian ngắn. Nếu các hoạt động có thể trở lại bình thường vào giữa tháng 5, chúng tôi có thể bắt kịp trở lại từ tháng 6 đến tháng 12”.
Hiệu ứng lan tỏa từ Thượng Hải đã ảnh hưởng đến các nhà máy của Chan ở các thành phố Nam Thông và Vô Tích – cả hai đều ở tỉnh Giang Tô. Ông cho biết các công ty đã phải sắp xếp lại thời gian biểu sản xuất và quyết định dự án nào thực hiện trước, bởi vì họ có thể không nhận được các bộ phận nhất định đúng hạn.
Ông cũng cho biết các nhà sản xuất đã chấp nhận chi phí hàng hải cao hơn trong giai đoạn vận chuyển chậm, với mức tăng chi phí dao động từ 10 đến 100%.
Dong Jinyue, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại BBVA Research, nói rằng việc phong tỏa trung tâm tài chính của Trung Quốc – một trung tâm sản xuất và vận tải lớn – “không thể tránh khỏi tác động lan tỏa bất lợi lên toàn bộ nền kinh tế, với sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong và ngoài nước”.
Ông nói thêm, hoạt động tại các nhà máy của ông ở Tô Châu và Dương Châu của Giang Tô đã bị ảnh hưởng, và việc nhập khẩu nguyên liệu, chẳng hạn như móc treo bằng nhựa từ Thụy Sĩ, cũng bị trì hoãn.
Ông nói: “Chúng tôi phải mất thêm hai tuần để đưa hàng ra và một tháng nữa để nhập hàng, bởi vì việc thay đổi cảng cũng đồng nghĩa với các loại thủ tục giấy tờ khác nhau”.
Francoise Huang, nhà kinh tế cấp cao về khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Allianz Trade, cho biết việc Trung Quốc ngừng hoạt động công nghiệp đột ngột gây rủi ro cho sản lượng toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và ô tô.
Bà nói thêm: “Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc cho thấy sự chậm trễ trong vận chuyển toàn cầu có thể sẽ tiếp tục tăng cao trong suốt năm 2022, mặc dù chúng vẫn ở dưới mức cao đã thấy vào năm 2021”.
Huy Hoàng