Venezuela có phải chìa khóa cho “cơn khát” dầu của phương Tây trong khủng hoảng với Nga?
Ngay khi lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga chính thức có hiệu lực tại Mỹ kể từ ngày 22/4/2022, Venezuela được xem là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất nhờ ngành công nghiệp dầu mỏ phát triển. Nắm bắt cơ hội, quốc gia Nam Mỹ này đang nỗ lực bơm nhiều dầu hơn để có thể đáp ứng nhu cầu khổng lồ của phương Tây
Trước khi chiến sự Nga – Ukraine bùng nổ, Venezuela đã sản xuất nhiều dầu hơn khi tăng gấp đôi sản lượng dầu thô trong năm 2021, lên khoảng 800.000 thùng/ngày. Con số này dư sức thay thế 199.000 thùng/ngày mà Mỹ nhập khẩu từ Nga trong năm 2021. Đó là lý do xứ sở Cờ Hoa đã có màn quay xe 180 độ trong quan hệ kinh tế với Venezuela
Cụ thể nếu như thời gian qua Mỹ cấm nhập khẩu dầu Venezuela, xem đây là một trong những biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm gây khó khăn cho chính quyền Tổng thống Nicolás Maduro thì ngày 5/3 vừa qua tại thủ đô Caracas, ba quan chức cấp cao của Mỹ đã gặp ông Maduro trong một cuộc gặp mà ông mô tả là “tôn trọng”. Ba ngày sau đó, Tổng thống Joe Biden đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Có thể thấy ông Biden cân nhắc về Venezuela không chỉ vì lý do kinh tế. Người đứng đầu Nhà Trắng lo ngại cuộc chiến ở Ukraine có thể trở thành chất keo gắn kết Venezuela với đồng minh thân cận Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu quan tâm đến quốc gia Nam Mỹ này sau khi Mỹ đề nghị Ukraine và Gruzia gia nhập khối NATO vào năm 2008. Đó là lý do ông Putin quyết định can thiệp vào sân sau của Mỹ để trả đũa. Chỉ trong vòng 10 năm (2009 – 2019), Nga đã bán cho Venezuela lượng vũ khí trị giá lên đến gần 9 tỷ USD.
Năm 2017, khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tiến hành can thiệp quân sự ở Venezuela, Nga đã cử máy bay ném bom tầm xa có khả năng bắn vũ khí hạt nhân tới Caracas. Năm 2019, khi Mỹ và các chính phủ khác công nhận ông Guaidó làm Tổng thống, ông Putin đã cử binh lính và lính đánh thuê để bảo vệ ông Maduro. Không dừng lại ở đó, chính phủ Nga còn kiến tạo một mạng lưới chống cấm vận cho Venezuela, giúp nước này bán vàng và dầu dù chỉ với mức chiết khấu sâu. Nga cũng không ngại chi tiền giúp chính quyền ông Maduro có đủ tiềm lực để ngăn chặn sự sụp đổ. Ông Putin thậm chí còn tuyên bố trong một cuộc điện đàm gần đây, Tổng thống Maduro đã ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Tuy nhiên những xung đột gần đây có nguy cơ làm tổn hại mối quan hệ bền chặt Nga – Venezuela. Tiến sĩ Francisco Monaldi – Nhà nghiên cứu về chính sách năng lượng của Mỹ Latinh tại Đại học Rice (bang Texas) cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các ngân hàng Nga sẽ khiến chính quyền Venezuela khó rút tiền ra khỏi Nga. Tại cuộc họp hồi tháng 3, ông Maduro đã yêu cầu Mỹ tạm thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga để họ rút tiền nhưng Mỹ đã từ chối.
Chưa kể những lo ngại của Venezuela rằng Nga cũng là một đối thủ cạnh tranh trong việc bán dầu giảm giá. Kể từ năm 2020, Trung Quốc là khách hàng mua dầu thô chính của Venezuela; tuy nhiên việc giá dầu của Nga giảm sâu đang đe dọa nghiêm trọng đến quan hệ mua bán giữa Trung Quốc và Venezuela
Bất chấp lệnh cấm của Mỹ, Chevron – công ty dầu mỏ cuối cùng của Mỹ hoạt động tại Venezuela đã vận động hành lang để xin một giấy phép mở rộng, cho phép họ kinh doanh dầu của Venezuela. Theo đó Công ty này đã bắt đầu tập hợp một nhóm thương mại để tiếp thị dầu từ Venezuela; đồng thời chuẩn bị cho các nhân viên có được thị thực Venezuela trong trường hợp vận động thành công.
Chính quyền Biden khẳng định không muốn chấp nhận ông Maduro và vẫn quan tâm đến tình hình chính trị ở nước này. Sau cuộc gặp hồi tháng 3, ông Maduro đã thả hai tù nhân Mỹ bị bắt làm con tin ở Caracas. Ông cũng cam kết sẽ quay lại đàm phán với phe đối lập Venezuela ở Mexico mà ông đã từ chối vào năm ngoái.
Theo trang tin Caracas Chronicles, ông Maduro có kế hoạch cho Phó Tổng thống Delcy Rodríguez và Ngoại trưởng Felix Plasencia sớm gặp các quan chức Mỹ ở Trinidad và Tobago. Gần đây nhất, một nhóm gồm 25 nhà kinh tế, lãnh đạo dân sự và học giả người Venezuela đã gửi một lá thư cho ông Biden và các quan chức Mỹ khác, đề nghị nới lỏng các lệnh trừng phạt và cho phép các công ty dầu mỏ phương Tây hoạt động lại.
Giới quan sát hoài nghi khả năng Mỹ vừa mua dầu vừa khiến ông Maduro thay đổi đường lối điều hành. Ngay cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Venezuela vẫn khó có thể tăng cường sản xuất sau nhiều năm ngập chìm trong nạn tham nhũng và tình trạng quản lý yếu kém.
Những năm gần đây vị thế của ông Maduro đã được củng cố vững chắc hơn. Tỷ lệ ủng hộ ông ở mức 19%, trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Guaidó chỉ khoảng 12%. Thông qua một loạt cải cách về kinh tế, bao gồm dỡ bỏ kiểm soát giá và một số hạn chế đối với ngoại hối, giảm trợ cấp xăng dầu và thu hút đầu tư tư nhân, ông Maduro đã giúp kéo giảm đáng kể lạm phát trong nước từ mức 3.000% vào năm 2020 xuống 686% vào năm 2021. Ông Temir Porras- Cựu chánh văn phòng của Tổng thống Venezuela nhấn mạnh: “Chưa bao giờ vị thế của ông Maduro được khẳng định mạnh mẽ như vậy, đến độ nếu có một thỏa thuận được thực thi thì nó cũng sẽ không hoàn toàn phụ thuộc vào các điều khoản của ông Biden”
Quốc Anh