Nền kinh tế Nga đối mặt với nguy cơ sụp đổ

Nền kinh tế Nga có nguy cơ sụp đổ trong năm nay sau khi Mỹ và các đồng minh châu Âu của họ tấn công Điện Kremlin với một loạt các hình phạt tài chính vì cuộc xâm lược vô cớ của họ vào Ukraine.

Hoạt động sản xuất của Nga giảm mạnh trong tháng 3, giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5 năm 2020 khi các doanh nghiệp đối mặt với giá tăng mạnh và lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm lớn. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế và ngăn nước này tiếp cận công nghệ mới.

Các chuyên gia cho rằng đó chỉ là bước khởi đầu cho một cú trượt dốc lớn đối với nền kinh tế Nga trong năm nay.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, ước tính rằng tổng sản phẩm quốc nội của Nga, thước đo rộng nhất của hàng hóa được sản xuất tại một quốc gia, có thể giảm 15% vào năm 2022 và 3% vào năm 2023 do kết quả của các lệnh trừng phạt, xóa sổ tăng trưởng hàng thập kỷ. Sự thu hẹp quy mô đó sẽ mạnh gấp đôi so với cuộc suy thoái của Nga trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

IIF cho biết trong một báo cáo phân tích vào tháng trước: “Chiến tranh leo thang hơn nữa có thể kéo theo nhiều cuộc tẩy chay năng lượng của Nga, điều này sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Nga, làm sâu sắc thêm suy thoái”.

Đồng thời, Goldman Sachs dự báo nền kinh tế có thể giảm 10% trong năm nay – trước đó họ đã dự đoán tăng trưởng khoảng 2% – trong khi Capital Economics dự báo giảm 12%. Các nhà kinh tế của Barclays, bao gồm Brahim Razgallah, cho biết trong một lưu ý của nhà phân tích rằng nền kinh tế Nga có thể lao dốc tới 12,4% vào năm 2022.

Họ viết: “Do các điều kiện địa chính trị hiện tại, chúng tôi cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ còn kéo dài”.

Theo Moody’s, Moscow cũng đang đứng trước bờ vực vỡ nợ lịch sử vì họ đã tìm cách thanh toán các trái phiếu bằng đồng đô la của mình bằng đồng rúp. Đây sẽ là lần đầu tiên Nga vỡ nợ nước ngoài kể từ Cách mạng Bolshevik năm 1917.

Nga đã thực hiện một khoản thanh toán đến hạn vào ngày 4 tháng 4 cho hai trái phiếu có chủ quyền bằng đồng rúp thay vì đô la mà nước này đã đồng ý thanh toán theo các điều khoản của chứng khoán.

Theo định nghĩa của Moody’s, Nga “do đó có thể bị coi là vỡ nợ nếu không thay đổi trước ngày 4 tháng 5, tức là thời điểm kết thúc thời gian ân hạn. Các hợp đồng trái phiếu không có quy định về việc hoàn trả bằng bất kỳ loại tiền tệ nào khác ngoài đô la”.

Bộ trưởng Tài chính  NgaAnton Siluanov nói với truyền thông nhà nước Nga hồi đầu tháng rằng nếu Điện Kremlin buộc phải vỡ nợ, họ sẽ có hành động pháp lý.

Siluanov nói với tờ báo thân Kremlin Izvestia: “Chúng tôi sẽ kiện vì chúng tôi đã tiến hành mọi hành động cần thiết để các nhà đầu tư nhận được khoản thanh toán của họ. Chúng tôi sẽ trình cho tòa án bằng chứng về các khoản thanh toán của chúng tôi, để xác nhận nỗ lực của chúng tôi trong việc thanh toán bằng đồng rúp, giống như chúng tôi đã làm bằng ngoại tệ. Đây sẽ không phải là một quá trình đơn giản”. Hiện chưa rõ Nga sẽ đâm đơn kiện lên cơ quan nào.

Thục Anh