Người dân toàn cầu đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực và nhiên liệu

Trước khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, hồi đầu năm 2022 giá lương thực và nhiên liệu cũng đã tăng cao kỷ lục do tác động của đại dịch Covid – 19 và biến đổi khí hậu toàn cầu. Và giờ đây khi cuộc chiến đã khơi mào, tình hình an ninh lương thực toàn cầu càng trở nên bất ổn hơn, đe dọa hàng loạt quốc gia và hàng triệu người dân.

Người Sri Lanka xếp hàng chờ mua dầu hỏa. Ảnh: Reuters

Theo ông Rabah Arezki – cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Phi, giá lương thực, nhiên liệu tăng vọt dễ khiến người dân nổi giận và điều này có thể gây ra làn sóng bất ổn chính trị cũng như kinh tế tại các quốc gia. Đây thực sự là điều rất đáng quan ngại.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Chỉ số giá lương thực trong tháng 3/2022 là 159,3, tăng gần 13% so với tháng trước. Ukraine vốn là nước xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu thực vật lớn trên thế giới; còn Nga cũng là nước sản xuất lúa mì và phân bón hàng đầu. Đặt trong bối cuộc chiến căng thẳng giữa hai nước cộng với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga, dự báo trong vài tháng tới giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Ở thời điểm hiện tại, chính phủ các nước vẫn đang rất nỗ lực trong việc kiềm chế lạm phát và đảm bảo cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên đối với các nước đã phải vay nợ nhiều để vượt qua cuộc khủng hoảng 2008 và đại dịch Covid – 19, khả năng tổn thương là rất lớn bởi theo lý giải của ông Rabah Arezki, các nước đang mắc nợ nhiều không có bộ đệm tài chính để kiềm chế căng thẳng sinh ra từ giá tăng cao.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy từ trước khi chiến sự Nga – Ukraine diễn ra, có khoảng 60% nước nghèo nhất thế giới đang khó trả nợ hoặc có rủi ro cao khó trả nợ. Trong tuần qua, bất ổn tại Sri Lanka, Pakistan hay Peru đã cho thấy lạm phát đang đẩy các nước vào tình trạng nguy hiểm đến mức nào.

Cụ thể tại Sri Lanka, khủng hoảng chính trị và kinh tế bắt đầu xuất hiện; các cuộc biểu tình đã nổ ra xoay quanh việc giá khí đốt và các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Với mức nợ cao và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, Sri Lanka buộc phải tiêu tốn khá nhiều ngoại hối dự trữ và quốc gia này đã phải tuyên bố vỡ nợ. Để cứu vãn tình thế, các nhà lãnh đạo của Sri Lanka đã hạ giá nội tệ – đồng rupee Sri Lanka và đang nỗ lực đảm bảo một khoản cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên động thái này chỉ khiến cho tình trạng lạm phát trong nước càng trở nên tồi tệ hơn. Thời điểm tháng 1/2022, lạm phát tại Sri Lanka đã chạm mốc 14% – gần gấp đôi tốc độ lạm phát tại Mỹ.

Tại Pakistan, lạm phát tăng đến hai chữ số đã kéo giảm tỷ lệ người dân ủng hộ Thủ tướng Imran Khan. Cuối tuần trước, Quốc hội Pakistan cũng đã bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Khan, buộc ông rời nhiệm sở. Theo giới phân tích, dù các vấn đề chính trị tại nước này đã tồn tại nhiều năm nay song giá nhiên liệu, lương thực tăng cao cùng dự trữ ngoại hối giảm sút đã trở thành “giọt nước làm tràn ly”, khiến mọi chuyện khó có thể cứu vãn.

Tại Peru, người dân đang trong tình trạng kích động và bất mãn cực độ vì giá nhiên liệu tăng cao.

Còn tại Trung Đông và châu Phi, giới chuyên gia cũng đang theo dõi sát sao các dấu hiệu bất ổn chính trị tại những nước phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu từ Biển Đen, đồng thời có các khoản trợ giá hào phóng cho người dân. Tại Ai Cập, áp lực lớn từ chương trình trợ giá bánh mỳ thời gian gần đây buộc quốc gia này phải thiết lập giá cố định cho loại bánh mỳ không được trợ cấp; đồng thời cố gắng đảm bảo nhập khẩu lúa mỳ từ các nước như Ấn Độ và Argentina.

Là nơi sinh sống của gần 70% người nghèo trên thế giới, châu Phi được nhìn nhận là châu lục rất dễ bị thương tổn trước giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Chưa kể tình hình hạn hán kéo dài và xung đột tại các nước như Ethiopia, Somalia, Nam Sudan, Burkina Faso…cũng đã đẩy hơn ¼ dân số lục địa này rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực.

Không chỉ các nước vay nợ nhiều mà với các nước phát triển, có bộ đệm tài chính tốt hơn cũng không có đủ công cụ để chống chịu hoàn toàn với tình trạng lạm phát và suy thoái kinh tế. Tuần trước, hàng nghìn người dân Hy Lạp đã tràn xuống đường biểu tình đòi tăng lương để chống lạm phát.

Cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp cũng được theo dõi sát sao khi ứng cử viên Marine Le Pen tập trung vào kế hoạch giảm chi phí sinh hoạt cho người dân. Tháng trước Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã tiết lộ nước này đang cân nhắc phát hành tem phiếu thực phẩm cho các hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình, qua đó phần nào cho thấy những bất ổn trong vấn đề lương thực tại quốc gia này.

Hoài Nam