Ngân hàng Trung ương Thái Lan: tăng trưởng là nỗi lo lớn hơn lạm phát

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cho biết cơ quan này sẽ tập trung các nỗ lực chính sách tiền tệ vào việc thúc đẩy sự tăng trưởng chậm chạp ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này, ngay cả khi áp lực giá cả toàn cầu gia tăng buộc ngân hàng trung ương của các nước khác phải tăng lãi suất.
Ngân hàng trung ương Thái Lan là một trong số ít ngân hàng trên toàn cầu tiếp tục coi áp lực lạm phát là nhất thời, và lo ngại nhiều hơn về sự suy giảm lượng khách du lịch nước ngoài do đại dịch gây ra và tác động lâu dài của nó đối với tăng trưởng.
Thống đốc BoT Sethaput Suthiwartnarueput nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng ông hy vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm nay và cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ không làm chệch hướng phục hồi.
Ông nói: “Sự phục hồi kinh tế vẫn còn nguyên vẹn, chậm và không đồng đều. Ưu tiên của chúng tôi bây giờ là đảm bảo rằng sự phục hồi vẫn còn nguyên vẹn”.
Ủy ban chính sách tiền tệ của BoT vào tháng trước đã bỏ phiếu nhất trí giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp nhất lịch sử là 0,50%, ở mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020. Họ sẽ tổ chức cuộc đánh giá chính sách tiếp theo vào tháng 6.
Ông Sethaput cho biết trong khi lạm phát toàn phần, chủ yếu do áp lực từ phía cung, sẽ vượt mục tiêu 1-3% của ngân hàng trung ương trong năm nay, thì nó có khả năng sẽ quay trở lại mục tiêu trong năm tới. Ông nói: “Kỳ vọng lạm phát trong dài hạn và trung hạn vẫn tương đối được cố định trong khoảng 2-3%,” và nói thêm rằng “chúng tôi chưa thấy lợi suất tăng đột biến do lạm phát cao hơn”.
Lạm phát đạt mức cao nhất trong 13 năm là 5,73% vào tháng 3, chủ yếu là do chi phí năng lượng. Tháng trước, BoT đã nâng dự báo lạm phát chính từ 1,7 lên 4,9% nhưng dự báo lạm phát sau đó sẽ giảm xuống 1,7% vào năm 2023.
Họ đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 xuống 3,2% từ mức 3,4% trước đó và triển vọng năm sau từ 4,7 % xuống 4,4%.
Ông Sethaput cho biết nền kinh tế dự kiến sẽ quay trở lại mức trước đại dịch trong quý đầu tiên của năm tới. Ông nói: “Đó là bởi vì chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào du lịch”, vốn chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội và 1/5 số việc làm.
Tuy nhiên, đóng góp của ngành đối với nền kinh tế có thể sẽ không trở lại mức đó cho đến năm 2026, một phần do các hạn chế của Covid-19 đối với việc đi lại nước ngoài của Trung Quốc.
BoT dự kiến sẽ có 5,6 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm nay và 19 triệu trong năm tới, giảm mạnh so với con số 40 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm 2019, trước đại dịch.
Khi được hỏi về việc thắt chặt chính sách trong tương lai, ông Sethaput cho biết ngân hàng trung ương Thái Lan sẽ đề phòng các dấu hiệu “đi chệch khỏi sự phục hồi dự kiến” như tác động vòng hai lên giá cả và kỳ vọng lạm phát không được kiểm soát.
Minh Anh