Mỹ-EU công bố quan hệ đối tác để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga

Mỹ và EU đã công bố mối quan hệ đối tác nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga, điều này sẽ làm tăng các chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu thêm 15 tỷ mét khối trong năm nay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết tại cuộc họp báo chung với Ursula von der Leyen: “Hôm nay chúng tôi đã nhất trí về một kế hoạch chung hướng tới giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen nói thêm: “Điều này sẽ thay thế nguồn cung cấp LNG mà chúng tôi hiện nhận được từ Nga, và trong tương lai, Mỹ và châu Âu sẽ đảm bảo cung và cầu ổn định cho thêm ít nhất 50 tỷ mét khối LNG của Mỹ cho đến năm 2030. Chúng tôi đang đi đúng hướng để đa dạng hóa nguồn cung khí đốt để giảm phụ thuộc vào Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng EU cũng sẽ đầu tư vào các nguồn năng lượng khác như năng lượng tái tạo.
Năng lượng của Nga là nguồn thu nhập chính và là đòn bẩy chính trị cho Moscow với gần 40% lượng khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu đến từ Nga để sưởi ấm các ngôi nhà, tạo ra điện và công nghiệp năng lượng.
Biden nói: “Tôi biết rằng việc loại bỏ khí đốt của Nga sẽ gây tốn kém cho châu Âu nhưng đó không chỉ là điều đúng đắn cần làm từ quan điểm đạo đức, nó sẽ đưa chúng ta vào một vị trí chiến lược mạnh mẽ hơn nhiều”.
Thông báo của Mỹ và EU được đưa ra sau khi NATO, G7 và EU đều tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào thứ Năm.
Biden đã đến Brussels để dự các cuộc họp và sẽ tới Rzeszów ở Ba Lan vào cuối ngày thứ Sáu trước khi đến Warsaw, nơi ông sẽ gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Việc đưa thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu có thể khó khăn, mặc dù Mỹ đã tăng mạnh xuất khẩu trong những năm gần đây.
Nhiều cơ sở xuất khẩu đã hoạt động hết công suất, và hầu hết các nhà ga mới vẫn chỉ đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Emily McClain, nhà phân tích thị trường khí đốt tại Rystad cho biết: “Mỹ đang ở một vị trí độc nhất vô nhị vì nước này có LNG linh hoạt có thể được chuyển hướng đến châu Âu hoặc châu Á, tùy thuộc vào ai sẵn sàng trả mức giá đó”.
Ngay cả khi Mỹ có thể vận chuyển nhiều khí đốt hơn đến châu Âu, thì châu lục này có thể phải khó khăn để nhận được khí đốt. Các bến nhập khẩu nằm ở các khu vực ven biển, nơi có ít kết nối đường ống hơn để phân phối nó.
Biden nói rằng Ủy ban châu Âu sẽ làm việc để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng và tăng hiệu quả sử dụng khí đốt.
Thế Trung