Ngành công nghiệp gỗ tiếp cận mục tiêu 10,5 tỷ USD
Năm 2019, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản hướng đến 10,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 1,2 tỷ USD so với mức thực hiện năm 2018. Đây là con số khá cao đối với một lĩnh vực, trong khi toàn ngành nông nghiệp phấn đấu tăng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng hoàn toàn có khả thi.
Sản xuất các sản phẩm đồ gỗ tại Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành (TP Hồ Chí Minh).
Với 9,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đạt được trong năm 2018 đã ghi dấu ấn với ngành lâm nghiệp trong năm qua. Bởi trước đó, vào đầu tháng 8/2018, tại Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với ngành là 9 tỷ USD. Như vậy, con số đạt được đã vượt cả kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ. Đây được xem là tiền đề cho ngành không chỉ trong năm 2019 mà cho cả những năm tiếp theo.
Tại hội nghị này, Thủ tướng cũng đặt hàng cho ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản, trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, uy tín trên thị trường quốc tế.
Là tỉnh xác định kinh tế lâm nghiệp làm chủ đạo trong nông nghiệp, ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh đã quy hoạch 3 loại rừng, trên cơ sở đó giao rừng, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, đảm bảo rừng đều có chủ. Tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy; triển khai các dự án lâm nghiệp như phát triển cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô…
Xác định không thể thiếu doanh nghiệp và phải tìm cách giúp doanh nghiệp phát triển, Tuyên Quang đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư như Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland. Cùng với đó, tạo sự gắn kết giữa các hộ trồng rừng, công ty lâm nghiệp với các nhà máy giấy, nhà máy chế biến. Hướng đến phát triển bền vững, Tuyên Quang đã cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), nâng giá trị gỗ rừng trồng lên từ 15-20%.
Ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết, tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp, kết hợp phương thức trồng thâm canh, tăng năng suất chất lượng, giá trị gỗ rừng trồng, tăng nhanh diện tích đạt FSC. Tuyên Quang mong muốn sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững 2019-2025 nhằm xây dựng tỉnh trở thành hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước.
Không chỉ Tuyên Quang, nhiều địa phương khác đã chú trọng phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững. Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đang dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế – xã hội quan trọng của đất nước. Trên trường quốc tế, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chiếm 6% thị phần thế giới, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Trong nước, nhóm mặt hàng này đã vượt thủy sản, đứng đầu trong nhóm sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu và trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam.
Sự phát triển của ngành này còn được thể hiện bằng sự có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng cao với hai con số trong gần một thập kỷ qua. Kết quả, là nhờ sự đóng góp không nhỏ của 4.500 doanh nghiệp; trong đó, gần 1.900 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu đã hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ lớn mạnh về quy mô và trình độ công nghệ.
Nhiều doanh nghiệp có vốn lớn, năng lực quản trị, công nghệ mới, đặc biệt các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ. Trong 9,3 tỷ USD, các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt 5,3 tỷ USD. Điều này đã chứng tỏ sự lớn mạnh của doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, thành công của xuất khẩu năm 2018 chính là việc tạo hứng khởi bằng các chính sách, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ để doanh nghiệp đầu tư vào ngành này. Các doanh nghiệp đều có lãi, có lợi nhuận cao hơn một số ngành khác. Sự đầu tư của họ vào ngành cũng rất bền vững bằng việc tuân chỉ rất cao là nói không với gỗ bất hợp pháp.
Năm 2019, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào ngành hàng này sẽ đi vào hoạt động. Đây đều là những doanh nghiệp lớn đầu tư công nghệ hiện đại hướng vào các sản phẩm chất lượng cao, thậm chí có những nhà máy với công nghệ hoàn toàn tự động, Thứ trưởng Hà Công Tuấn thông tin.
Một điểm góp nên thành công nữa của ngành là nguồn nguyên liệu trong nước tăng rất nhanh. Sản lượng khai thác gỗ đạt 27,5 triệu m3; trong đó, rừng trồng tập trung 18,5 triệu m3, tăng 3% so với 2017; cây trồng phân tán và cây cao su tái canh khoảng 9 triệu m3, đáp ứng được khoảng 80% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Điều nay đã tạo nên việc xuất siêu mạnh cho ngành. Năm nay, sản lượng khai thác gỗ trong nước dự báo tiếp tục tăng, đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp cho chế biến xuất khẩu.
Về khả năng phát triển xuất khẩu nhóm mặt hàng này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đưa ra bài toán, nếu năm 2025, Việt Nam không đảm bảo được 50 triệu m3 gỗ trong nước thì khó có thể đạt 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Vậy cần phát triển trồng rừng và trồng rừng có năng suất cao, chất lượng gỗ tốt. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ trong chế biến, giúp sử dụng nguyên liệu hợp lý và nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Nhà nước cần quan tâm cho phát triển nguồn nguyên liệu, hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là vốn. Nếu tiếp tục có chính sách tốt hơn nữa thì Việt Nam sẽ sớm có thương hiệu đồ gỗ Việt Nam, trở thành công xưởng đồ gỗ của thế giới”, ông Nguyễn Tôn Quyền nói.
Nội lực ngành ở trong nước tăng lên. Thị trường được nhận định sẽ có nhiều thuận lợi trong quan hệ thương mại giữa các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… Mục tiêu ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản có thể tăng lên 1,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu so với năm 2018 là hoàn toàn khả thi, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định.
Minh Đường