Fed đối mặt với nhiệm vụ ngày một khó khăn
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cố gắng tăng lãi suất mà không đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ khiến hành động cân bằng của cơ quan ngày trở nên khó khăn hơn.
Với lạm phát gần 8%, ngân hàng trung ương Mỹ không thể đợi lâu hơn nữa để bắt đầu tăng lãi suất từ mức gần bằng không. Điều đó là đúng ngay cả khi một cuộc xung đột vũ trang lớn đã nổ ra ở châu Âu, khiến giá năng lượng tăng vọt và gây thiệt hại cho các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Tăng lãi suất trong khi đảm bảo nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng là thách thức mới nhất đối với các quan chức Fed, những người đã dành hai năm qua để điều hướng việc phong tỏa do Covid-19 và cú sốc thị trường lao động tồi tệ nhất trong lịch sử.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo rằng chiến tranh có thể gây ra lạm phát và khiến các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng xung đột đã không thay đổi suy nghĩ của ngân hàng trung ương về lãi suất.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nói với Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm thứ Ba: “Để đảm bảo rằng nền kinh tế tiếp tục mở rộng và tránh suy thoái, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải bình thường hóa lãi suất”.
Hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp vào thứ Tư. Đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ cuối năm 2018.
Zandi nói: “Điều quan trọng đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình là tránh suy thoái kinh tế”.
Đó là điều “nói thì dễ, làm mới khó”. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs tuần trước cho biết khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ trong năm tới đã tăng cao tới 35%. Ngân hàng đầu tư nhận thấy ít hoặc không có mức tăng trưởng nào được ghi nhận trong ba tháng đầu năm 2022.
Các hộ gia đình có thu nhập thấp đang phải vật lộn với giá cao sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế.
Với giá thực phẩm và khí đốt tăng nhanh chóng, Fed không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động.
Việt Hưng