Phải xem cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục…
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nỗ lực cải cách của các Bộ, ban ngành, địa phương, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam những năm gần đây đã có sự cải thiện tích cực, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước. Tuy nhiên kể từ năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 nên việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng khó khăn và đòi hỏi nỗ lực cao hơn, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương cũng như sự chia sẻ và hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Những “điểm sáng” đáng khích lệ
Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Thực thi nhiệm vụ này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hàng năm ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019-2021) với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, bám sát các chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín.
Với sự vào cuộc quyết liệt cùng nỗ lực cải cách của các Bộ, ban ngành, địa phương, theo thời gian môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu ngày được nâng lên, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước. Cụ thể Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới – WEF) xếp thứ 67/141 (năm 2019), tăng 10 bậc so với năm 2018; đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO) giữ thứ hạng tốt, ở vị trí 44/132 (năm 2021); chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc – UN) xếp thứ 86 (năm 2020), tăng 2 bậc so với năm 2018; phát triển bền vững (của UN) xếp thứ 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016; an toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông quốc tế – ITU) xếp thứ 25/194 (năm 2020), tăng 25 bậc so với năm 2018.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam cải thiện tích cực cũng được thể hiện rõ qua các chỉ số đạt được. Cụ thể, từ năm 2017-2019, Chính phủ cũng đã ban hành đến 40 văn bản về cải thiện môi trường kinh doanh, có lẽ khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ chỉ đạo sát sao, liên tục như điều kiện kinh doanh. Đến năm 2019, cắt giảm đến hơn 50% số điều kiện kinh doanh theo báo cáo của các bộ, ngành. Cùng với đó, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh cũng được cải thiện tích cực, số lượng ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được thu gọn, từ 267 ngành nghề vào năm 2014 giảm xuống còn 243 ngành nghề vào năm 2016 và giảm tiếp xuống còn 227 ngành nghề vào năm 2020…
Xét trên phương diện hình thức, có thể thấy số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được cắt giảm và điều kiện kinh doanh cũng được cắt giảm tương ứng. Đây cũng chính là điểm sáng trong cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua. Bên cạnh đó, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành cũng giảm mạnh từ 16,62% vào năm 2015 xuống còn 6,62% vào năm 2019. Thời gian thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cũng được rút ngắn. Đơn cử tại tỉnh Quảng Ninh, nếu như năm 2016 hàng xuất khẩu có thời gian thông quan 21 giờ thì đến năm 2020, con số này giảm 88% xuống còn 2,5 giờ; tương tự thời gian thông quan với hàng hoá nhập khẩu cũng giảm tới 74%, từ 39 giờ năm 2016 xuống còn 10 giờ vào năm 2020.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả khởi sắc đạt được, theo ghi nhận của bà Thảo, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại kể từ cuối năm 2019 đến nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng nhưng chưa thực chất. Báo cáo của các bộ, ban ngành, địa phương cho thấy số lượng dịch vụ công trực tuyến đã được cải thiện mạnh mẽ nhưng trên thực tế nỗ lực cải cách ở một số địa phương chưa rõ nét, còn hình thức và chưa bám sát thực tiễn với doanh nghiệp.
Còn trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); Phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104).
Cần sự chung sức, đồng lòng, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Theo các chuyên gia kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là vấn đề quan trọng, tao thuận lợi cho cho doanh nghiệp và nền kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặt trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư hậu Covid-19 thì nhiệm vụ này đối với Việt Nam lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết; đòi hỏi nỗ lực cao hơn cùng sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, tăng tốc hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương cũng như sự chia sẻ và hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng để nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, không chỉ Chính phủ mà tất cả mọi người đều phải coi cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Điều này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đặt trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang phải hứng chịu những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và rất cần một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi. “Trên tinh thần đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời không đưa ra những văn bản tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp. Về phía các địa phương cần sửa đổi ngay những điều kiện kinh doanh đang gây khó cho doanh nghiệp và triển khai nghiêm túc, đầy đủ những nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã ban hành, nhằm tạo đột phá cho môi trường kinh doanh trong giai đoạn tới” – ông Cung kiến nghị.
Đồng quan điểm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nhấn mạnh: “Một cánh én không thể làm nên mùa xuân”, chính vì vậy rất cần sự chung sức, đồng lòng của các Bộ, ban ngành, địa phương trên cả nước để công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn cho doanh nghiệp. Về phía Tổng cục Hải quan, để cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả, những năm qua chúng tôi chú trọng thay đổi về tư duy, cách nghĩ, cách làm trong quản lý; từ đó thay đổi thái độ phục vụ, lời nói với doanh nghiệp, người dân. Hàng năm Cục đều tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp và giải thích cho họ hiểu, bởi thứ doanh nghiệp cần chính là minh bạch trong các thủ tục”.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương giữ vai trò rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh tỉnh nào vai trò lãnh đạo của người đứng đầu mạnh thì thủ tục hành chính sẽ được triển khai thuận lợi và ngược lại. “Để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vấn đề thúc đẩy thực thi đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó cần chú trọng thúc đẩy thực thi, có những cách làm mới mang lại hiệu quả cao bởi chính sách, kế hoạch cải cách thì địa phương nào cũng có nhưng công tác thực hiện có đi vào thực tiễn hay không, doanh nghiệp, người dân có được thụ hưởng từ những chính sách cải cách hay không thì lại phụ thuộc vào hiệu quả thực thi chính sách” – ông Tuấn lưu ý.
Như thông lệ, ngày 10/1/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19…. Mục tiêu cụ thể năm 2022 cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s, S&P và Fitch; về cải thiện Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) theo xếp hạng của WEF: Nâng cao điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là B1); nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng (B2) lên 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3) lên ít nhất 1 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán (B7) lên 2-3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (B9) lên 2-3 bậc;… |
Huy Hoàng