Đồng ruble rớt giá, thị trường chứng khoán đóng cửa, giới nhà giàu Nga chuyển hướng mua hàng xa xỉ để bảo toàn tài sản
Bao lâu nay trang sức, đồng hồ, đồ hiệu xa xỉ luôn giữ vai trò như một vật lưu trữ giá trị; thậm chí giá trị của những tài sản này có thể tăng gấp 3-4 lần ngay cả khi thị trường tiền tệ và nền kinh tế đi xuống. Đó là lý do giới nhà giàu Nga chuyển hướng sang mua trang sức và đồng hồ để bảo toàn tài sản, đặt trong bối cảnh “cơn mưa” trừng phạt của phương Tây đổ xuống Nga khiến đồng ruble rớt giá thê thảm, thị trường chứng khoán thì đóng cửa…
Ông Jean Christophe Babin – CEO của Bvlgari cho biết chỉ trong vài ngày qua, doanh số các cửa hàng tại Nga của hãng trang sức cao cấp xa xỉ bậc nhất thế giới này đã tăng vọt. Hiện tượng này xuất hiện sau khi quốc tế phản ứng trước sự kiện Nga đưa quân vào Ukraine đã hạn chế dòng chảy tiền tệ tại đây. Trong ngắn hạn, đây chính là bệ phóng thúc đẩy tăng trưởng của hãng, nhất là khi trang sức của Bulgari đang được xem như một “khoản đầu tư an toàn”.
Đề cập đến những hạn chế việc tiếp cận tài chính của Nga đối với SWIFT, ông Jean Christophe Babin cho biết rất khó đoán định được tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu bởi nếu Nga bị chặn hoàn toàn khỏi hệ thống SWIFT, các biện pháp trừng phạt có thể phản tác dụng, khiến phương Tây phải hứng chịu những tác động dội ngược lại. Khi đó việc xuất khẩu hàng hóa sang Nga sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
Kể cả khi các “ông lớn” ngành tiêu dùng như Apple, Nike và các tập đoàn năng lượng khổng lồ như BP, Shell, Exxon Mobil thông báo rút khỏi Nga, các thương hiệu xa xỉ lớn nhất châu Âu vẫn cố gắng duy trì hoạt động tại xứ sở bạch dương, trong đó có Bvlgari. “Chúng tôi ở đây vì khách hàng Nga chứ không vì mục đích chính trị. Không riêng gì Nga, chúng tôi hoạt động tại rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang trong tình trạng bất ổn và căng thẳng kéo dài” – CEO Bvlgari chia sẻ.
Không chỉ Bvlgari mà các thương hiệu trang sức khác như Cartier của Richemont, Swatch Group…cũng đang kiên trì bám trụ tại Nga.
Nếu vàng là vật lưu trữ giá trị và là hàng rào chống lạm phát thì đồng hồ, đồ trang sức sang trọng cũng đóng vai trò tương tự; thậm chí giá trị của những tài sản này còn tăng lên đặt trong bối cảnh kinh tế biến động do chiến tranh và xung đột. Đặc biệt các mẫu đồng hồ nổi tiếng có thể được rao bán trên thị trường thứ cấp với giá cao gấp 3-4 lần so với giá niêm yết. “Đúng là các thương hiệu xa xỉ có thể quyết định không phục vụ thị trường Nga nữa nhưng chắc chắn họ sẽ phải trả một cái giá rất đắt là hình ảnh thương hiệu bị xấu đi” – nhà phân tích Luca Solca tại Bernstein cho hay.
Báo cáo của Morgan Stanley cho thấy trong tổng doanh thu của LVMH và Swatch Group, doanh số bán hàng tại Nga và bán cho người Nga ở nước ngoài chiếm tỷ lệ chưa đầy 2%; còn với Richemont, tỷ lệ này là gần 3%. Con số ít ỏi này một phần do chênh lệch thu nhập tại Nga. Ngoại từ một lượng nhỏ tỷ phú, hầu hết người dân Moskva chỉ có thu nhập trung bình khoảng 113.000 ruble (1.350 USD)/tháng; còn tại các vùng nông thôn, con số này thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên “cơn mưa” trừng phạt của phương Tây đang gây sức ép lên các thương hiệu lớn. Tạp chí Business of Fashion thúc giục các hãng bán lẻ đóng cửa hàng tại Nga và không giao hàng mua online. Đáp lại, phản ứng của các thương hiệu vẫn khá im ắng.
Chỉ vài ngày trước show diễn thời trang ở Paris, Balenciaga đã gỡ bỏ các thông tin về thời trang trên Instagram; còn Facebook của họ thì chỉ còn hình cờ Ukraine và lời kêu gọi đóng góp cho Chương trình Lương thực Thế giới. Về phía LVMH đã ủng hộ 5 triệu euro (5,6 triệu USD) cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế để hỗ trợ các nạn nhân của chiến dịch quân sự; đồng thời hỗ trợ tài chính cho 150 nhân viên của họ ở Ukraine. Còn Bulgari đang cân nhắc chuyện tăng giá các sản phẩm bán tại Nga bởi trong khi đồng ruble mất giá tới 50%, họ vẫn phải thanh toán các chi phí bằng euro.
Dù vậy nhiều khả năng các hãng trang sức và đồng hồ xa xỉ sẽ gặp khó khăn về nguồn cung; nhất là khi Nga đã đóng cửa không phận với các nước EU, còn các công ty logistics lớn nhất châu Âu cũng đã ngừng vận chuyển hàng đến Nga. “Nếu cuộc chiến Nga – Ukraine kéo dài vài tháng, nguồn cung sẽ trở thành vấn đề nan giải” – CEO của Bvlgari nhận định.
Quốc Huy