Tổng tiến công Chuyển đổi số quốc gia
Đây là chủ đề của sự kiện Gặp gỡ ICT 2022 – Xuân Nhâm Dần do Hội Tin học Việt Nam và 16 tổ chức xã hội nghề nghiệp đồng tổ chức tại khách sạn Pan Pacific (Hà Nội). Không chỉ là dịp để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông cùng giao lưu, sẻ chia kinh nghiệm, Gặp gỡ ICT 2022 còn được xem là sự kiện mang tính động viên lớn, khích lệ giới công nghệ thông tin – truyền thông ngày càng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa cho sự phát triển đi lên của ngành, đóng góp thiết thực vào công cuộc chuyển đổi số và sự nghiệp CNH – HĐH đất nước.

Tham dự Gặp gỡ ICT 2022 có ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng thư ký, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Phan Tùng Mậu – Nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông có đại diện các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT; Nhà tài trợ vàng Tập đoàn công nghệ CMC; Nhà tài trợ Bạc Công ty CP FPT; Nhà tài trợ Bạc Công Ty TNHH Công Nghệ Tiktok Việt Nam; Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam, Công ty Cổ phần HANEL, Công Ty CP Misa, Công Ty CP HTC Viễn thông Quốc tế, Công ty TNHH Máy Tính Nét, Công ty Cổ phần Công nghệ Phần mềm Tinh Vân, Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land, Công Ty CP Công Nghệ Sapo, Công ty CP Hạ tầng Viễn thông CMC. Ngoài ra còn có sự tham gia của các lãnh đạo các Hội – Hiệp hội ngành công nghệ thông tin – truyền thông và đại diện các CLB các Khoa – Viện – Trường công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam, CLB xử lý ngôn ngữ và tiếng nói Việt và CLB Olympic Tin học Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Gặp gỡ ICT 2022, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhận định dù đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam vẫn đang từng bước phục hồi nhanh, thích nghi và xây dựng cuộc sống bình thường mới; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, hướng tới mục tiêu xây dựng: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số để phát triển bứt phá.
Đặc biệt trong 2 năm dịch bệnh hoành hành, doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được nhiều nền tảng chuyển đổi số. Năm 2020, hơn 30 nền tảng được Bộ Thông tin&Truyền thông công bố đều là nền tảng của Việt Nam. Năm 2021, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chuyển sang nghiên cứu, làm chủ các công nghệ mới như 5G, AI, Big Data. “Đây thực sự là thành công lớn chưa từng có tiền lệ. Chỉ cần đồng lòng, đồng sức và sự hợp tác của giới khoa học công nghệ, công nghệ thông tin – truyền thông cả nước cùng lời kêu gọi khởi động chuyển đổi số quốc gia, khởi nghiệp số của Đảng và Chính phủ, tôi tin rằng năm Nhâm Dần chúng ta sẽ tiếp tục làm nên kì tích, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tới để đất nước Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, hướng tới hội nhập về chuỗi giá trị cách mạng 4.0 toàn cầu và phục vụ cho định hướng tương lai 5.0” – ông Thắng nhấn mạnh.
Đối với công cuộc số hóa ngành y tế, ông Trần Quý Tường – Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam cho biết trong năm 2021, lĩnh vực công nghệ y tế đã đạt một số thành tựu rất đáng nghi nhận như: phủ sóng toàn bộ từ TW đến địa phương, tất cả mọi nơi đều có cán bộ công nghệ y tế; xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý, đẩy mạnh công nghệ thông tin trong Y tế; xây dựng cổng thông tin y tế, công khai giá cả, trang thiết bị y tế trên toàn quốc.
Bản thân Hội Tin học Y tế Việt Nam cũng đã kết hợp với Bộ Y tế thực hiện theo Thông tư 46, bỏ hẳn bệnh án giấy, tạo bước đột phá lớn cho ngành y tế. Ngoài ra Hội còn kết nối BHYT, BHXH với 100% các cơ sở khám bệnh; phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống Covid-19 dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. “Để phát huy hơn nữa những thành tựu đạt được, thời gian tới Hội Tin học Y tế Việt Nam rất cần sự phối hợp, đồng tâm của các cấp, các ngành từ TW đến địa phương, các doanh nghiệp cùng tham gia vào chuyển đổi số y tế. Có như vậy thì công nghệ y tế mới ngày càng phát triển, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được tốt hơn” – ông Tường kêu gọi.
Nhật Long