Aflatoxin – Tử thần trong căn bếp nhà bạn

Trong số khoảng 300 loại độc tố được sản sinh ra từ nấm mốc (độc tố mycotoxin) có một loại nấm mốc cực độc mang tên Aflatoxin đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO xếp vào nhóm gây ung thư số 1 (nhóm đầy đủ bằng chứng để khẳng định có gây ung thư cho con người).

Aflatoxin được Tổ chức Y tế thế giới WHO xếp vào nhóm gây ung thư số 1

Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1960, Aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi nấm Aspergillus, đáng chú ý nhất là Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus. Thông thường có Aflatoxins B1, B2, G1, G2, M1, M2, B2a, G2a, BM2a và GM2a…

Khi quan sát bằng mắt thường, nấm Aspergillus thường có màu xanh lá cây, Aspergillus sản sinh Aflatoxin không mùi, không vị, không màu và có thể chịu được nhiệt độ bình thường. Nhiệt độ để có thể tiêu diệt Aflatoxin lên đến 280°C, do đó phương pháp nấu và chế biến thông thường không thể phá hủy hoàn toàn độc tính của chất độc này. Điều này đồng nghĩa với một khi Aflatoxin xuất hiện, gần như rất khó loại bỏ.

Độc tính Aflatoxin tương đương gấp 10 lần lượng kali xyanua và gấp 68 lần so với asen. Khi nhiễm độc Aflatoxin có các đặc điểm lâm sàng như gây ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính và gây ung thư. Ngoài ung thư gan, Aflatoxin còn là nguyên nhân gây ung thư dạ dày, ung thư thận, ung thư trực tràng, ung thư vú, buồng trứng và ruột non, cũng có thể gây quái thai. Các triệu chứng ngộ độc Aflatoxin thường là sốt, nôn mửa, chán ăn, vàng da, bụng trướng nước, phù chi dưới và các triệu chứng khác, trong trường hợp nặng có thể gây suy gan và tử vong.

Rõ ràng Aflatoxin rất nguy hại cho sức khỏe con người nhưng điều ít ai ngờ là loại nấm mốc gây ung thư này lại thường xuất hiện ở 4 món đồ thường có trong căn bếp của mọi gia đình.

Thực phẩm bị mốc

Hàm lượng tinh bột càng cao thì càng dễ tạo ra aflatoxin sau khi bị nấm mốc

Độc tố Aflatoxin thường có trong các thực phẩm khô đã lên mốc như các loại hạt, ngũ cốc, khoai tây, ngô bị mốc. Theo nghiên cứu, hàm lượng tinh bột càng cao thì càng dễ tạo ra Aflatoxin sau khi bị nấm mốc.

Nếu bạn tiêu thụ những thực phẩm nhiễm Aflatoxin trong thời gian dài sẽ dễ gây tổn thương tế bào gan và làm tăng tỷ lệ ung thư. Chính vì vậy khi sử dụng lương thực, thực phẩm, bạn cần kiểm tra kỹ, nếu có dấu hiệu mốc, chớm mốc phải kiên quyết bỏ đi và không sử dụng những thực phẩm đã biến đổi màu.

Mộc nhĩ ngâm lâu

Theo nghiên cứu y học, mộc nhĩ chứa một lượng lớn protein, cellulose và các nguyên tố vi lượng khác nhau, là một thực phẩm rất có ích cho sức khỏe con người và có tác dụng duy trì các mạch máu, giảm cục đông máu, phòng bệnh tắc động mạch do huyết khối, giúp bổ máu, làm đẹp da .

Trong cuộc sống hàng ngày, để tiện trong việc nấu nướng, nhiều bà nội trợ thường ngâm mộc nhĩ trong nước cả đêm. Tuy nhiên ít ai biết được nếu mộc nhĩ bị ngâm lâu trong nước sẽ sinh ra quá nhiều vi khuẩn và sản sinh Aflatoxin. Ngay cả khi nó được rửa nhiều lần, Aflatoxin cũng không thể được loại bỏ. Chính vì vậy để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn chỉ nên ăn mộc nhĩ khô được ngâm trong nước lạnh từ 15-20 phút, rửa sạch, cắt chân trước khi chế biến.

Dầu tự ép kém chất lượng

Nhiều người thường lầm tưởng dầu tự ép hoàn toàn được làm bằng tay và nó rất an toàn, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên trên thực tế, một số loại dầu tự ép giá rẻ, bán trôi nổi trên thị trường thường lại tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm đối với sức khỏe.

Đơn cử như ở khâu chọn lựa nguyên liệu, để giảm bớt chi phí, nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng đậu phộng hoặc hạt hướng dương bị mốc. Đây chính là nguyên nhân khiến dầu ăn tự ép có chứa chất Aflatoxin gây ung thư mạnh, có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, trong đó gan là cơ quan thường bị ung thư nhiều nhất. Ăn dầu tự ép không chỉ có nguy cơ gây ung thư gan mà còn có thể dẫn đến tử vong trong trường hợp nặng.

Ngoài ra đặc tính của dầu tự ép là không thể bảo quản được lâu, chính vì vậy nếu bạn bảo quản không đúng cách thì Aflatoxin cũng sẽ sản sinh trong dầu.

Đũa mốc, thức ăn mốc

Môi trường ẩm thấp là điều kiện lý tưởng để nấm mốc và các vi khuẩn gây hại khác phát triển, đặc biệt đối với các loại đũa làm bằng tre, gỗ. Đũa mốc là nơi chứa nhiều vi sinh vật gây hại được tích tụ và hình thành dần trong quá trình ăn, có thể kể đến vi khuẩn tụ cầu staphylococcus, vi khuẩn escherichia coli (E.Coli) và đặc biệt là chất Aflatoxin gây ung thư gan.

Vì vậy, nếu thấy đũa hoặc thức ăn bị mốc, cách tốt nhất là bạn nên vứt bỏ chúng càng nhanh càng tốt để tránh nguy cơ mắc ung thư. Với những thực phẩm không dễ bảo quản trong những ngày hè nóng nực, bạn nên bỏ chúng vào tủ lạnh để lưu trữ và nên cân nhắc về số lượng thực phẩm trước khi mua để tránh lãng phí

Huy Anh