Covid – 19 và cuộc sàng lọc khắc nghiệt đối với môi giới bất động sản

Trong 2 năm dịch Covid – 19 hoành hành cũng là thời điểm lĩnh vực bất động sản rơi vào trạng thái “đóng băng”, thị trường không có giao dịch, các môi giới bất động sản bị sa thải hàng loạt….

Môi giới chào bán dự án căn hộ. Ảnh: Hải Khoa

Một trong số đó là anh Minh – nhân viên kế toán chuyển sang nghề môi giới bất động sản giữa năm 2018. Nếu như trước khi bùng dịch, mỗi tháng anh vẫn kiếm được 30 triệu đồng từ hoa hồng bán hàng thì thời điểm đầu năm 2020 đến nay, tình thế đã đảo lộn hoàn toàn. Sau đợt tái bùng phát dịch lần thứ tư và những tháng Tp.HCM phong tỏa, công ty bất động sản anh đang đầu quân buộc phải giải thể nhiều chi nhánh đẩy anh và hàng loạt đồng nghiệp khác vào cảnh thất nghiệp. Tiền tích lũy cũng đã cạn kiệt trong những tháng Thành phố phong tỏa nên từ đầu quý IV/2021 đến nay, gia đình anh chủ yếu sống dựa vào tiền trợ cấp thất nghiệp. “Trong năm nay tôi đang cân nhắc trở lại nghề kế toán bởi thị trường bất động sản vẫn còn chịu ảnh hưởng của đại dịch, số môi giới thất nghiệp rất nhiều, đời sống bấp bênh, vô định…” – anh Minh bộc bạch.

Đồng cảnh ngộ là anh Thiện – môi giới làm việc cho công ty bất động sản bán nhà đất tại các tỉnh vùng ven giáp ranh Sài Gòn. Thời điểm Công ty cũ dừng hoạt động vì dịch, anh Thiện chuyển sang làm môi giới tự do, tham gia vào hội nhóm của các chung cư để chào mời cho thuê và bán nhà kiếm hoa hồng trang trải cuộc sống song thu nhập vẫn rất bấp bênh, tiền tích lũy cũng đã tiêu sạch trong mùa phong tỏa. “Tôi đã nộp đơn vào một số công ty bất động sản và cả ngành hàng tiêu dùng. Nếu bên nào gọi đi làm trước thì tôi sẽ rẽ theo ngành đó để tránh thời gian thất nghiệp dài” – anh Thiện cho hay.

Còn theo thông tin từ Giám đốc kinh doanh một công ty phân phối bất động sản có trụ sở tại khu Tây Tp.HCM, năm 2021 là năm bị đào thải cao kỷ lục của môi giới bất động sản do ảnh hưởng của dịch bệnh, thanh khoản thị trường lao dốc, khâu chào bán hàng gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch…

Thông thường trong quý đầu môi giới không ra được hàng sẽ được hỗ trợ thêm nghiệp vụ; trong 2 quý không bán được sản phẩm vẫn ở nhóm thử thách thêm nhưng nếu liên tiếp 3 quý vẫn không bán được hàng thì nhân viên đó sẽ được khuyến khích rút lui để tìm cơ hội ở ngành nghề khác phù hợp hơn. Năm 2021, tỷ lệ đào thải môi giới bất động sản đã chạm mức tuyển 10 loại 7 (trung bình trong 3-6 tháng tuyển 10 môi giới khả năng đào thải 7 người, trong đó số tự chủ động bỏ cuộc chiếm 50%).

Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm – Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết trong năm qua nghề môi giới bất động sản tại Tp.HCM rơi vào cảnh phân hóa mạnh mẽ và đào thải kỷ lục với rất nhiều môi giới đón Tết không lương, thưởng; thậm chí là thất nghiệp. Dưới tác động kinh hoàng của đại dịch, có đến hơn 70% nhóm các công ty môi giới rơi vào cảnh tan rã, dẫn đến 60% môi giới bị đào thải hoặc tự chủ động bỏ nghề.

 Trong khi đó các công ty môi giới thật sự có tiềm lực đủ sức trụ lại sau đợt tái bùng phát dịch lần thứ tư, có thể tái khởi động vào tháng 10 và bán được hàng trong mùa cao điểm bán hàng quý IV/2021 chiếm tỷ lệ khá ít ỏi, chỉ khoảng 25%.

Có thể chia các nhân sự môi giới địa ốc thất nghiệp do công ty phá sản, dừng hoạt động thành 2 nhóm: Nhóm có năng lực chuyên môn cao, không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề và xem nghề môi giới là sự nghiệp lâu dài (nhóm này có cơ hội chuyển sang các công ty quy mô lớn hơn và bám trụ được với nghề); Nhóm môi giới bất động sản vào nghề theo trào lưu, chớp thời cơ bắt sóng, chạy theo đám đông, tầm nhìn ngắn hạn (nhóm này chiếm khoảng 60% nguồn nhân sự ở các công ty gặp khó khăn mùa dịch và thường bị đào thải hoặc tự đào thải).

Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết theo khảo sát ngành, trong năm 2021 cả nước có 300.000 môi giới, trong đó chỉ có 10% có chứng chỉ hành nghề, chỉ 25% có năng lực và nghiệp vụ cao. Riêng Tp.HCM có khoảng hơn 100.000 môi giới bất động sản, trong đó 20.000-30.000 người làm việc cho các tổ chức chuyên nghiệp. “Nếu như năm đầu tiên Covid – 19 bùng phát (2020), các công ty môi giới bất động sản vẫn gắng gượng cầm cự được thì bước sang năm thứ hai (2021), các công ty này đã rơi vào cảnh kiệt quệ nguồn lực, buộc phải đóng cửa tạm thời hoặc phá sản. Nhân sự môi giới vì vậy cũng bước vào cuộc sàng lọc khắc nghiệt, tan đàn rã đám hàng loạt. Nước lên thuyền lên, nước ròng thuyền mắc cạn; năm 2022 nhân sự ngành môi giới bất động sản trở về với quy luật chuyên môn hóa, những ai đến với ngành này để hớt bọt, đón sóng theo hiệu ứng đám đông sẽ bị đào thải hoặc tự rút lui” – ông Lâm nhận định.

Huy Hoàng