Hà Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035

Bước vào giai đoạn phát triển mới, các địa phương trong cả nước đang triển khai, hoàn thiện các bản quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ với mục tiêu đến năm 2030, thực hiện quy hoạch chính xác, thống nhất, đồng bộ, phát triển các địa phương, các vùng trong cả nước. Với tỉnh Hà Nam, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030 có tốc độ tăng trưởng GRDP nằm trong tốp đầu của vùng Đồng bằng sông Hồng, có điều tiết ngân sách về Trung ương và đến năm 2035 phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đề cập đến những tiềm năng lợi thế thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của  Hà Nam không thể không kể đến vị trí đắc địa, là cửa ngõ của vùng Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy Hà Nam rất gần với các nguồn nhân lực chất lượng cao; được hưởng lợi từ các cảng hàng không, cảng biển trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi, nút thắt trong phát triển kinh tế của Hà Nam nằm ở hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Ngoài ra hạ tầng khu công nghiệp, khu logistic, khu du lịch, đô thị, hạ tầng chuyển đổi số cũng hết sức nghèo nàn, chưa được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại hóa. Nếu tháo gỡ được những nút thắt này sẽ tạo đà cho Hà Nam vươn lên phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và đạt được mức tăng trưởng tốt hơn.

Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm phát triển của tỉnh là quy hoạch Hà Nam phải phù hợp chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Nam dựa vào khai thác các vị thế về vị trí địa lý của tỉnh liền kề với Tp.Hà Nội, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội để Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện. Song song đó sẽ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Nam tập trung vào một số động lực tăng trưởng quan trọng gồm: công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, đô thị, nông nghiệp hàng hóa, dịch vụ (du lịch, giáo dục – đào tạo, y tế); tăng cường ứng dụng công nghệ cao để khai thông, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Mục tiêu chung đặt ra là đến năm 2025 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Hồng. Mục tiêu cụ thể tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 – 2025 đạt 10,7%; phấn đấu duy trì GRDP đạt khoảng 12%/năm trong giai đoạn 2026 – 2030.

Phấn đấu đến năm 2030 sẽ đưa Hà Nam phát triển toàn diện và bền vững, vươn lên trở thành một trong các trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước về công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế – xã hội lớn; phấn đấu đến năm 2035 Hà Nam sẽ vươn lên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Song song đó địa phương cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ logistics; đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng số hiện đại và kết nối với các vùng của cả nước; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Thế Anh