Giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng

Bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp và kéo dài tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã đồng hành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên yêu cầu đặt ra là các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước phải giám sát chặt chẽ tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng..

Số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước cập nhật cho thấy tăng trưởng tín dụng tiếp tục ghi nhận mức tăng tương đối mạnh trong những ngày cuối tháng 12. Cụ thể tính đến ngày 31/12/2021, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đã tăng 13,53% so với cuối năm 2020.

Trước đó tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 22/12 đạt 12,68% so với cuối năm 2020; dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế hồi đầu năm 2021 là hơn 9,19 triệu tỷ đồng. Như vậy chỉ 1 tuần cuối cùng chạy nước rút trước khi hết năm, các ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 78.000 tỷ đồng tín dụng. Tín dụng đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm khi hàng loạt ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước nới “room” trong quý 4/2021

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022. Trong đó về điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước định hướng năm 2022 tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và vàng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra.

Về điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ. Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh…

Song song đó Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giám sát chặt chẽ tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro (như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…); đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Chỉ đạo không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh gắn với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Quốc Trung