Vú sữa đặc sản lên đường sang Mỹ
Đam mê lao động và luôn tìm tòi những mô hình trồng trọt kiểu mới, từ năm 2014, ông Trần Văn Chiến, 62 tuổi ngụ ấp Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ đã đầu tư trồng vú sữa Lò Rèn (có xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang), vú sữa tím bắc thảo, vú sữa bơ hồng… cho hiệu quả kinh tế cao. Vú sữa của ông Chiến đã tự tin lên đường xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Ông Trần Văn Chiến giới thiệu về các dòng vú sữa đặc sản được trồng trong vườn của gia đình.
Nhẹ công chăm sóc, lãi suất cao
Điều đặc biệt ở lão nông này là việc trồng vú sữa của ông theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng luôn đảm bảo an toàn; trái phát triển nhanh, to, màu sắc đẹp, bóng láng, vỏ mỏng, hạt lép, vị ngọt thanh; tỉ lệ hao hụt do sâu cắn phá không đáng kể bởi trái được bao bằng bọc nylon 100%. Cạnh đó loại vú sữa của ông có khả năng bảo quản rất lâu mà không cần đến sự can thiệp của các thiết bị hỗ trợ nên rất thuận tiện cho việc xuất khẩu vào các thị trường ở xa.
Ông Chiến cho biết: “Nếu mình cứ làm theo kiểu truyền thống thì bất lợi về giá cả, năng suất, chất lượng, khó tiêu thụ dẫn đến người trồng không có lãi. Từ khi áp dụng theo phương pháp VietGAP thì lãi suất tăng từ 40 – 50% lại nhẹ công chăm sóc”.
Ở vụ thu hoạch đầu tiên (năm 2017), ông Chiến đã có được 7 tấn trái/5.000m2 đất. Với giá bán 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông lãi trên 220 triệu đồng. Thừa thắng xông lên, ông tiếp tục trồng mới 25.000m2 đất còn lại xen với 500 gốc sầu riêng Mõn Thon, Ri 6. Hiện nay, diện tích vú sữa trồng đợt 2 đã phát triển xanh tốt và dự kiến thu hoạch vào cuối năm 2019.
Ông Chiến kể thêm: “Trồng cách này rất hiệu quả, thời gian thu hoạch rộ từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Trồng bằng nhánh chiết thì sau gần 3 năm trồng, cây sẽ cho trái. Cực nhất là động tác bao trái để phòng sâu bệnh”.
Tự tin sang thị trường Mỹ
Thấy mô hình của ông Trần Văn Chiến vừa lạ, vừa hiệu quả vì trước đây chưa từng có ai lại bao trái vú sữa nên 26 hộ dân cùng ấp đề nghị ông thành lập HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A do ông làm giám đốc vào tháng 8.2017 với diện tích khoảng 30ha. Sau đó đã có thêm 11 hộ gia nhập HTX nâng diện tích chung trồng vú sữa là 38ha. Trong đó chủ lực là vú sữa Lò Rèn chiếm hơn 50% diện tích chung.
Ông Nguyễn Văn Chung – Chủ tịch UBND xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ phấn khởi nói: “Đây là mô hình mới mở ra hướng làm ăn cho nhiều nông dân, vừa tạo ra nông sản sạch phục vụ người tiêu dùng lại vừa nâng cao tiền lãi, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chúng tôi đang vận động nhiều nông dân học tập, làm theo mô hình này. Công lao đầu phải kể đến sự đóng góp của Giám đốc Trần Văn Chiến. Nông dân này là người đầu tiên của đất Tây Đô xuất khẩu được vú sữa sang thị trường Mỹ”.
Tin vui tiếp nối tin vui, 37 xã viên HTX năm 2017 và 2018 đều trúng đậm sản lượng và chất lượng vú sữa theo phương pháp VietGAP. Bình quân 1.000m2 đất, sau khi trừ chi phí, người trồng có lãi trên 50 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với một số nông sản khác.
Bà Thái Thị Hai, xã viên HTX vui vẻ kể: “Tui có 10 công vú sữa Lò Rèn trồng theo “kiểu ông Chiến” tuy có cực lúc bao trái nhưng chắc ăn về giá cả và không bị hao hụt như trước. Tôi rất mang ơn ông Chiến”.
Áp dụng quy trình kỹ thuật trồng vú sữa VietGAP nên cây vú sữa nào của gia đình ông Chiến cũng sai trĩu quả.
Tháng 11.2018, tin vui lại đến với các xã viên khi 2 tấn vú sữa đầu tiên của HTX Trường Khương A đã được Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (Tiền Giang) thu mua xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ. 38 tấn trái còn lại theo hợp đồng hiện đang tiếp tục thực hiện với giá 38.000 đồng/kg, cao hơn khoãng 10.000 đồng/kg so với thị trường hiện nay.
Giám đốc Trần Văn Chiến chia xẻ sự phấn khởi: “Nghe tin vú sữa của HTX chúng tôi sang được đất mỹ thành công ai nấy cũng vui mừng phấn khởi hết bởi từ trước đến nay đâu có làm được chuyện này. Chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng trái vú sữa hiện có để bảo vệ thương hiệu của mình nhằm mở ra một hướng kinh doanh vô cùng thuận lợi”.
Minh Đường