Tác động của RCEP với Singapore và thế giới

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), là một hiệp định thương mại lớn được ký kết bởi 15 quốc gia, bao gồm khoảng một phần ba dân số thế giới và chiếm 30% nền kinh tế toàn cầu. Hiệp định này bao gồm Trung Quốc, nhưng không có sự tham gia của Mỹ, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2022.

Gan Kim Yong, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, nói với CNBC: “RCEP là một thỏa thuận quan trọng sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại và hội nhập trong khu vực. Đối với các doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng họ có thể trông đợi khá nhiều lợi ích. Đầu tiên, về thuế quan, các doanh nghiệp có thể được hưởng tới 92% khi cắt giảm thuế quan. Điều này sẽ tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, nó cũng sẽ tạo điều kiện tiếp cận thị trường”.

Ý nghĩa của RCEP với Singapore

Theo Bộ trưởng Gan, Singapore có kế hoạch thúc đẩy sự tham gia của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, hội đồng kinh doanh và nhiều cơ quan khác trong ngành để chia sẻ cách các công ty hoạt động ở thành phố này có thể tận dụng RCEP ra sao. Ông nói: “Đó là một cuộc hành trình và trong cuộc hành trình này, phần đầu tiên sẽ là chia sẻ và giáo dục. Hiện còn rất nhiều việc phải làm – không chỉ là ký thỏa thuận và có hiệu lực”.

Các nhà phân tích trước đây đã nói rằng lợi ích kinh tế của RCEP là khiêm tốn và sẽ mất nhiều năm để hiện thực hóa. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã được nhiều người coi là một chiến thắng địa chính trị đối với Trung Quốc vào thời điểm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đang suy yếu.

Về phần mình, Gan nói với CNBC rằng tất cả các thành viên RCEP “đóng vai trò bình đẳng, đóng một vai trò rất quan trọng” trong thỏa thuận.

Ý nghĩa của RCEP đối với Châu Á

Bộ trưởng Gan cho rằng RCEP đang mở đường cho các nước thành viên thảo luận về các cách để làm cho chuỗi cung ứng châu Á – Thái Bình Dương linh hoạt hơn, đồng thời cho biết thêm rằng thỏa thuận này đơn giản hóa các quy trình hải quan và thông quan hàng hóa, cùng các điều khoản khác.

Ông nói: “Ở một mức độ đáng kể, nó tạo điều kiện thuận lợi cho hậu cần và phân phối cũng như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng”. Trong bối cảnh biến thể omicron lan truyền nhanh chóng trên toàn cầu, hiện ngày càng có nhiều nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng nếu các quốc gia buộc phải đóng cửa một lần nữa.