VCCI cần đổi mới, đa dạng hoạt động để cùng Chính phủ nâng cấp môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam
Đây là đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII (nhiệm kỳ 2021-2026) với chủ đề “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”. Đại hội diễn ra theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tới các chi nhánh VCCI tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh qua 58 năm phát triển, vai trò, vị thế và uy tín của VCCI ngày càng được khẳng định, đề cao. Với tư cách tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, thời gian qua VCCI đã tập hợp được đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tăng cường vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Chủ động tham gia xây dựng và hoàn thiện các chính sách quan trọng với doanh nghiệp; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua nghiên cứu, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI), tạo thêm động lực và xung lực mới cho sự phát triển
Thủ tướng nêu rõ, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định khát vọng và mục tiêu phát triển của Việt Nam “đến năm 2025 là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Đây là mục tiêu lớn, đầy thử thách với nước ta, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tình hình thế giới có nhiều bất ổn. Giai đoạn phát triển mới có nhiều cơ hội thuận lợi song khó khăn, thách thức cũng không ít, đồng nghĩa với công việc của VCCI sẽ nhiều hơn, nặng nề hơn, với những nhiệm vụ lớn hơn, khó khăn hơn phải làm.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, sự mong đợi, tin tưởng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Thủ tướng yêu cầu VCCI cần ưu tiên, tham gia tích cực, góp phần ngày càng quan trọng vào thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế, chính sách, đồng hành cùng Chính phủ nâng cấp môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam lên nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực. Đồng thời phát huy sức mạnh tổng lực, tinh thần đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để góp phần giải quyết những bài toán, vấn đề lớn đang đặt ra cho đất nước, đưa đất nước phát triển, hùng cường, thịnh vượng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho VCCI, trong đó đề nghị VCCI cần ưu tiên tham gia tích cực vào thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và dẫn dắt doanh nghiệp hội nhập thành công. Tán thành với quan điểm cho rằng doanh nghiệp vững mạnh thì quốc gia hùng cường, thịnh vượng, Thủ tướng đề nghị VCCI triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vững mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị hiện đại, tích cực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh, tăng năng suất lao động để nâng cao vị trí của doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia “Chúng ta không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp doanh nhân có tính quyết định. Chúng ta quán triệt tinh thần này” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý văn hóa kinh doanh gắn liền với xây dựng đất nước văn minh, phồn vinh, hiện đại, hạnh phúc. Chính vì vậy phát triển văn hoá kinh doanh cũng là một trụ cột để kinh tế phát triển bền vững. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động thiên tai, căng thẳng thương mại giữa các nước thì nền tảng văn hoá kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp chống chọi được với sức ép từ bên trong và các biến động lớn từ bên ngoài. Văn hoá kinh doanh tạo ra sức mạnh mềm của doanh nghiệp và cũng góp phần xây đắp hình ảnh, vị thế quốc gia dân tộc trên trường quốc tế.
Hiện Việt Nam đã ký, tham gia 17 hiệp định thương mại tự do. Chính phủ là chủ thể ký kết, nhưng doanh nghiệp mới chính là chủ thể thực hiện và hưởng lợi từ các hiệp định này. Do vậy Thủ tướng đề nghị VCCI cần tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tìm kiếm bạn hàng, xử lý và hỗ trợ khi có các tranh chấp trong quá trình hoạt động, thúc đẩy liên kết, hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.
Tại Đại hội, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cũng đã đổi tên thành Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam nhưng giữ tên viết tắt VCCI. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành, Ban Thường trực, Ban Kiểm tra VCCI khóa VII. Đồng chí Phạm Tấn Công được Đại hội tín nhiệm tái cử chức vụ Chủ tịch VCCI khóa VII. Trong nhiệm kỳ mới, VCCI đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm (chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp và hội viên; phát triển đội ngũ doanh nhân; tiên phong thúc đẩy xây dựng hóa kinh doanh Việt Nam; tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động) và 3 đột phá gồm (tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh; tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa của doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh) |
Việt Hòa