Trung tâm thương mại không lép vế trong cuộc đua với thương mại điện tử
2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 cùng giãn cách xã hội kéo dài đã tạo điều kiện cho mua sắm online lên ngôi. Dẫu vậy mô hình trung tâm thương mại (TTTM) với sự nhạy bén, linh hoạt cùng những lợi thế riêng vẫn chứng tỏ được sức hút khó cưỡng, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm không thể có được khi mua sắm online
Lợi thế đặc thù
Bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành tác động tiêu cực lên tất cả các lĩnh vực kinh tế, một điều tưởng chừng như trái ngược lại diễn ra trên thị trường bán lẻ khi nhiều thương hiệu đình đám trong và ngoài nước vẫn tiếp tục khai trương các cửa hàng đặt trong TTTM. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao các thương hiệu lớn vẫn tiếp tục đặt kỳ vọng vào TTTM trong khi mua sắm trực tuyến mới là loại hình lên ngôi trong thời gian qua?
Theo các chuyên gia kinh tế, giữa cơn cuồng phong mang tên thương mại điện tử, các cửa hàng vật lý hay các TTTM vẫn sẽ luôn tồn tại và là mũi nhọn của ngành bán lẻ trong những năm tới bởi người tiêu dùng đến đây để thỏa mãn nhu cầu quan trọng nhất trong mua sắm là trải nghiệm sản phẩm thực tế. Đặc biệt các TTTM hiện đại còn đóng vai trò như một địa chỉ giao lưu, kết nối các mối quan hệ, tận hưởng cuộc sống chứ không đơn thuần chỉ là nơi mua sắm.
Người tiêu dùng đến TTTM để thỏa mãn nhu cầu quan trọng nhất trong mua sắm là trải nghiệm sản phẩm thực tế. Không chỉ mua sắm đơn thuần, các TTTM hiện đại còn là nơi để giao lưu, kết nối các mối quan hệ, tận hưởng cuộc sống.
Bà Hoàng Nguyệt Minh – Giám đốc bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết dù thương mại điện tử có bùng nổ với các trung tâm thương mại với những lợi thế đặc thù vẫn có sức hút riêng. Đơn cửa như trong lĩnh vực mỹ phẩm, các thương hiệu lớn vẫn cần các cửa hàng vật lý để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như cung cấp trải nghiệm dùng thử sản phẩm của khách hàng. Dễ nhận thấy nhất là trong lĩnh vực F&B khi người Việt có xu hướng thích trải nghiệm không gian ăn uống và cảm giác được phục vụ tại nhà hàng hơn là đặt hàng mang. Xu hướng này cũng diễn ra tương tự với nhiều lĩnh vực khác.
Theo bà Minh, trong giai đoạn quý 4/2021 đến quý 2/2022 nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ sẽ tập trung ở các phân khúc trung và cao cấp. Trong đó trung tâm thương mại và khối đế chung cư sẽ được chuộng hơn so với nhà phố do tiện ích của tổng khu mang lại.
AEON MALL và chiến lược cạnh tranh bằng lối đi riêng
Còn nhớ thời điểm cuối năm 2019 khi làn sóng Covid-19 chưa bùng phát tại Việt Nam, AEON MALL đã chính thức đưa vào hoạt động TTTM mới tại Hà Đông – Hà Nội và chỉ vỏn vẹn 1 năm sau đó, AEON MALL Hải Phòng Lê Chân cũng mở cửa đón khách. Điều gì khiến nhà phát triển và vận hành AEON MALL tiếp tục mở rộng quy mô tại thị trường Việt Nam bất chấp “bóng đen” Covid-19 và sự bùng nổ của làn sóng online?
Nghiên cứu thị trường cho thấy trong khi các khách hàng lớn tuổi chuộng mua sắm tại các TTTM thì thế hệ Y và Z (những người sinh năm từ 1990 đổ lại đây) lại là tín đồ trung thành của mua sắm online. Tuy nhiên với AEON MALL, điều này có vẻ không hoàn toàn đúng khi các TTTM của “ông lớn” này đều thu hút rất đông giới trẻ đến mua sắm và vui chơi giải trí.
Theo các chuyên gia, AEON MALL trở thành điểm đến thu hút mọi lứa tuổi bởi không gian rộng, bầu không khí trong lành với nhiều cây xanh, “tất cả trong một” với các khu vực mua sắm, giải trí và ẩm thực. Nhà phát triển và vận hành TTTM đến từ Nhật Bản mong muốn vận hành các TTTM của mình theo mô hình “Happiness Mall” – TTTM hạnh phúc. Tại đây khách hàng có không gian mua sắm hiện đại, có không gian thư giãn và được tham gia vào các chương trình cộng đồng. Như vậy, khi đặt chân đến với TTTM AEON MALL, cảm giác đầu tiên của họ sẽ là một địa điểm mang đến nhiều niềm vui, nhiều trải nghiệm thú vị chứ không đơn thuần chỉ là nơi mua sắm.
Linh hoạt thích nghi với xu thế thị trường, AEON MALL liên tục chuyển mình, dần chuyển sang mô hình bán hàng đa kênh, nâng cấp và phát triển thêm nhiều tính năng trên ứng dụng điện thoại, đẩy mạnh hoạt động livestream hỗ trợ các gian hàng trên fanpage trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài, qua đó gia tăng tiện ích mua sắm cho khách hàng mục tiêu.
Có thể thấy trong cuộc đua khốc liệt giữa TTTM và thương mại điện tử thì người tiêu dùng vẫn là đối tượng hưởng lợi. Áp lực cạnh tranh gay gắt buộc các TTTM phải tăng cường tích hợp OMO (Offline-Merge-Online) giúp khách hàng có thể trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao dù mua sắm trực tiếp hay đang ngồi tại nhà. Ưu thế sẽ thuộc về các TTTM thực sự mang đến trải nghiệm vượt trội cho người tiêu dùng mà AEON MALL là 1 trong những điển hình được yêu thích tại Việt Nam trong phân khúc TTTM.
Thế Anh