Tại sao nạn phá rừng ở Amazon của Brazil tăng cao

Nạn phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon của Brazil đã tăng mạnh vào năm 2021, đạt mức cao nhất trong 15 năm khi có thông tin rằng khu rừng bắt đầu thải ra nhiều carbon hơn mức mà nó có thể hấp thụ.
Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia của Brazil (INPE) tháng trước ước tính rằng 13.235 km2 rừng đã bị chặt phá từ tháng 8 năm 2020 đến tháng 7 năm 2021 – diện tích lớn nhất bị mất vì nạn phá rừng ở Amazon của Brazil kể từ năm 2006.
Cơn ác mộng cho các nhà khoa học
Rừng nhiệt đới Amazon bao phủ đất ở 9 quốc gia, nhưng khoảng 60% nằm ở Brazil.
Theo Greenpeace, một phần ba số vụ phá rừng ở Amazon của Brazil có liên quan đến cái gọi là chiếm đất công, chủ yếu là do các nhà sản xuất thịt tìm kiếm không gian cho các trang trại chăn nuôi gia súc.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 vào tháng 11, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ký cam kết quốc tế chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
Nhưng nạn phá rừng đã gia tăng ở Brazil dưới sự lãnh đạo của Bolsonaro. Ông đã gây tranh cãi trong nhiệm kỳ tổng thống của mình vì khuyến khích các hoạt động như khai thác mỏ và nông nghiệp ở Amazon và bị chỉ trích vì nỗ lực thông qua luật cho phép phát triển thương mại trên đất được bảo vệ.
Vào tháng 8, hạ viện của Quốc hội Brazil đã thông qua một dự luật giúp những người ngồi trên đất công dễ dàng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với đất đó hơn. Dự luật đó được đưa ra sau khi một dự luật riêng biệt, được hạ viện thông qua vào tháng 5, mở đường cho các dự án khai thác, nông nghiệp và các dự án khác ở Amazon trở nên dễ dàng hơn. Cả hai dự luật hiện đang được Thượng viện Brazil xem xét để thông qua.
Luciana Gatti, một nhà khoa học khí hậu tại INPE, đã mô tả mức độ phá rừng ở Amazon là “một cơn ác mộng”. Bà nói: “Nó thực sự điên rồ và tự hủy hoại bản thân – đây thực sự là một cơn ác mộng đối với các nhà khoa học vì chúng tôi cố gắng khuyên rằng đây là con đường hoàn toàn trái ngược với nơi chúng ta cần đến, nhưng chúng tôi không được lắng nghe. Chúng tôi cần Amazon để duy trì lượng mưa, điều chỉnh nhiệt độ và hấp thụ CO2”.
Một cam kết chính mà chính quyền của Bolsonaro đưa ra là mở cửa nền kinh tế của Brazil với thế giới thông qua thương mại quốc tế. Khi cháy rừng hoành hành ở Amazon vào năm 2019, một số quốc gia cho rằng Brazil nên đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu không bảo vệ được rừng nhiệt đới. Bà Gatti nói rằng chính phủ “không nhận thấy rằng kho báu lớn nhất của chúng ta là Amazon. Amazon là nơi bảo vệ khí hậu vì nó hấp thụ carbon và tạo ra lượng mưa. Nhưng hiện nay, mỗi mùa hanh khô, nắng nóng hơn và tình trạng này bùng phát dữ dội. Chúng tôi cố gắng khuyên nhủ, nhưng họ không nghe và những gì họ đang tạo ra cho Brazil là một tương lai khủng khiếp – một cơn ác mộng”.
Nhật Trung