Nền kinh tế 2021 và những nỗi buồn từ Covid – 19

Năm 2021 với sự xuất hiện của biến thể Delta đẩy nền kinh tế Việt Nam đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng có. Thực tế này đòi hỏi nước ta phải nhanh chóng tìm ra giải pháp, cách thức để giảm thiệt hại, phục hồi nền kinh tế trong năm 2022.

GDP năm khó đạt mục tiêu đề ra

Các tổ chức quốc tế từng đưa ra dự báo GDP Việt Nam năm 2021 có thể tăng trưởng 7,5-7,8%, tuy nhiên biến thể Delta xuất hiện khiến những con số này trở nên bất khả thi. Cụ thể trong quý III/2021, GDP nước ta đã giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý năm 2000 đến nay. Trong đó, các khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ giảm rất sâu, lần lượt ở các mức giảm 5,02% và giảm 9,28%.

Với mức giảm của quý III/2021, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh nên quý III/2021 cũng là lần đầu tiên cả nước có tới 18/19 tỉnh thành phía Nam (bao phủ hơn 44% GDP cả nước) cùng tăng trưởng âm. Riêng đầu tàu kinh tế Tp.HCM dẫn đầu với mức giảm GDP tới 24,39%.

Năm 2021 Chính phủ kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng từ 3-3,5% song dựa trên tình hình thực tế thì có vẻ như mục tiêu này rất khó đạt được.

Tỷ lệ lao động mất việc, doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng đột biến

Covid-19 cũng tạo ra những con số kỷ lục, nhưng theo cách không ai mong muốn với hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong quý III, tăng đến nửa triệu so với quý II. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 3,98%, cao nhất trong một thập kỷ qua và vượt xa tỷ lệ thất nghiệp trong những giai đoạn khó khăn khác của nền kinh tế. 12 triệu người bị cắt giờ làm; 18,9 triệu người bị giảm thu nhập.

Trước diễn biến căng thẳng của dịch Covid-19, khoảng một tuần qua, hàng triệu lao động đã tìm mọi cách để về quê ngay khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng; từ đó hình thành một làn sóng di cư quy mô lớn chưa từng thấy. Một số tỉnh đã tổ chức đón người dân bằng tàu hỏa, máy bay nhưng hầu hết đều tự phát đi về bằng phương tiện sẵn có như xe máy, xe đạp, thậm chí là đi bộ.

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân mỗi tháng khoảng 9.700 doanh nghiệp không thể cầm cự, phải ngừng kinh doanh hoặc giải thể song con số này vẫn chưa phản ảnh hết thực tế. Trong khi đó số ít doanh nghiệp duy trì được sản xuất trong thời kỳ giãn cách cũng chưa chắc đã có thể vượt qua khó khăn.

Mô hình “ba tại chỗ” bộc lộ nhiều bất cập

Sau khi được khởi xướng và áp dụng thành công tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Mô hình “ba tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) đã được nhân rộng cho 19 tỉnh, thành phía Nam. Tuy nhiên sau thời gian triển khai, mô hình này đã bộc lộ nhiều bất cập

Do chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể, nhiều doanh nghiệp “rối như tơ vò” khi áp dụng. Ngoài ra họ còn gánh chịu áp lực tài chính khi vừa phải chuyển đổi công năng nhà xưởng, lắp đặt thêm khu vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ cho công nhân vừa trả chi phí xét nghiệm định kỳ mỗi tuần. Chưa kể mỗi tháng doanh nghiệp phải chi trả thêm 9,33 triệu đồng cho một lao động để giữ chân họ ở lại nhà máy dù năng suất lao động chỉ còn phân nửa hoặc một phần ba.

Do quá tốn kém nên càng kéo dài thời gian triển khai “ba tại chỗ” doanh nghiệp càng kiệt quệ và thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Thậm chí có nơi lại trở thành ổ dịch, với hàng trăm ca nhiễm do điều kiện cách ly tại chỗ không đảm bảo.

Tuy nhiên bên cạnh những doanh nghiệp bỏ cuộc, vẫn có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng “ba tại chỗ” hiệu quả.

Chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng thiết yếu khan hiếm

Đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy nghiêm trọng, thị trường suy giảm, nguồn cung hàng hóa khan hiếm. Dù khách chen lấn, xô đẩy nhau vào mua hàng song các siêu thị cũng không có hàng để bán, kể các các thực phẩm thiết yếu như rau, thịt…

Tất cả chợ đầu mối và hơn phân nửa chợ truyền thống đóng cửa, trong khi đó nguồn cung hàng hoá từ tỉnh cũng bị đứt gãy do lưu thông khó khăn. Ngoài ra biện pháp kiểm soát lưu thông và cách hiểu “hàng thiết yếu” không đồng nhất giữa các địa phương khiến việc vận chuyển hàng hoá bị cản trở, kéo theo chuỗi cung ứng đứt gãy hàng loạt. Trong khi đó giai đoạn cao điểm giãn cách, đội ngũ shipper – cánh tay đắc lực của chuỗi cung ứng cũng phải dừng hoạt động khiến chuỗi cung ứng tắc càng thêm tắc.

 Theo một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, đứt gãy chuỗi cung ứng là một nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp tạm đóng cửa. Chi phí sản xuất “3 tại chỗ”, chi phí phòng, chống dịch tăng cao trong khi nhân lực, nguồn nguyên liệu thiếu thốn…Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, chuỗi cung ứng trong nước được khôi phục thì doanh nghiệp xuất khẩu lại rơi vào thảm cảnh khác khi các cửa khẩu tại biên giới Trung Quốc tạm dừng thông quan khiến hàng ngàn container hàng hóa bị ùn ứ…

Áp lực lạm phát phủ bóng đen lên nền kinh tế

Năm 2021 là năm mà áp lực lạm phát phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu nói chung – Việt Nam nói riêng. Trong 11 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng trong nước chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Nguyên liệu đầu vào từ thị trường thế giới khan hiếm, nguồn cung trong nước giảm trong khi một số nơi có dấu hiệu găm hàng đẩy giá cả hàng hóa không ngừng tăng cao

Giá xăng RON95 có giai đoạn tăng lên gần 25.000 đồng/lít – cao nhất trong 7 năm trở lại đây và chỉ còn cách 80 đồng so với đỉnh lịch sử tháng 7/2013. Do phụ thuộc vào giá nhiên liệu thế giới nên giá gas cũng có mạch tăng sáu tháng liên tiếp, lên gần 500.000 đồng/bình 12 kg. Tương tự giá gạo, vật liệu xây dựng, giá nguyên liệu cũng tăng đột biến gây hiệu ứng dây chuyền, đẩy các hàng quán, các doanh nghiệp sản xuất vào cảnh đứng ngồi không yên.

Gía cả hàng hóa tăng vọt thì cuối cùng người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu thiệt lớn nhất, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp hoặc mất việc. Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, 50% người tham gia khảo sát cho biết họ đã mất việc và chỉ đủ tiền đảm bảo cuộc sống không quá một tháng giữa lúc vật giá leo thang.

Tài sản số trở thành kênh đầu tư hấp dẫn

Theo ví von của giới đầu tư, 2021 còn là một năm “hoang dã và đầy cảm xúc” với sự lên ngôi của các tài sản số. Nếu các kênh đầu tư truyền thống chỉ cho lợi nhuận cao nhất từ 30-50% thì trên thị trường tiền số, con số này có thể gấp vài chục, thậm chí vài trăm lần. Cũng chính vì thế, lòng tham và nỗi sợ của những nhà đầu tư mới, ở đây là nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO), trở thành động lực giúp tiền số, tài sản số tạo cơn sốt.

Tuy nhiên kênh đầu tư càng cho lợi nhuận cao thì rủi ro càng lớn. Chỉ cần một quyết định sai lầm đã có thể khiến cho nhà đầu tư đánh rơi toàn bộ lợi nhuận, thậm chí cả vốn gốc. Thêm một rủi ro nữa là tiền số hiện vẫn chưa được công nhận tại Việt Nam, đồng nghĩa với các giao dịch tiền số sẽ không được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Đặc biệt năm 2021 cũng chứng kiến hàng loạt dự án lừa tiền của các nhà đầu tư (scam), các token giả được tạo ra nhan nhản ăn theo những “cơn sóng FOMO”, những chiêu lừa tiền bằng việc gửi token vô giá trị.

Nhật Hà