Ngành hậu cần kho bãi Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư FDI
Sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng cộng với tác động của hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đưa Việt Nam trở thành trung tâm kho vận của thế giới. Chỉ trong 2 năm qua, khoảng 3 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài đã chảy vào hệ thống kho vận và kho bãi của Việt Nam.
Bà Supaporn Sukmak – Giám đốc Văn phòng Xúc tiến Thương mại nước ngoài tại Tp.HCM cho biết vị trí đắc địa, nguồn lao động dồi dào, tay nghề cao cộng với lợi ích từ các FTA mà Việt Nam đã có với các thị trường khác nhau giúp Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ngành logistics.
Sau khi trải qua đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên vào năm ngoái, các nhà sản xuất đã xem xét và cơ cấu lại chiến lược cũng như năng lực sản xuất của mình để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu và khả năng tồn kho hàng hóa. Chính vì vậy nhu cầu về kho bãi dự báo sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới.
Ngoài ra bà Supaporn cho biết thêm chính sự phát triển của thương mại điện tử, nhất là trong đại dịch Covid-19 đã châm ngòi cho sự bùng nổ của thương mại điện tử, kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu về kho bãi trong thời gian tới do người tiêu dùng toàn cầu thay đổi thói quen mua sắm sau đại dịch. Trong đó Việt Nam được xem là thị trường vô cùng tiềm năng cho phát triển loại hình kinh doanh này.
Có thể thấy tỷ lệ thuận với tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, nhu cầu về kho bãi tại Việt Nam cũng tăng lên đáng kể. Tình trạng thiếu container và thiếu tàu do cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đã tạo ra tác động mạnh đến vận tải hàng hóa quốc tế, làm tăng nhu cầu lưu kho. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, trong đó các công ty kinh doanh kho bãi và vận tải chiếm 33,26%. Đến nay dịch vụ kho bãi đã trở thành một trong những phân khúc chủ lực của các công ty logistics Việt Nam.
Ngay cả khi đại dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, triển vọng tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam vẫn được đánh giá rất tích cực, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Có được điều này là nhờ vào sự phục hồi của thương mại khi các nền kinh tế tái mở cửa trở lại, cũng như vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ trong 2 năm qua, khoảng 3 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài đã chảy vào hệ thống kho vận và kho bãi của Việt Nam. Con số ấn tượng này cũng phần nào cho thấy sự chuyển đổi của chuỗi cung ứng có thể sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm kho vận mới của khu vực và thế giới.
Đặc biệt lợi thế từ các FTA cũng trở thành động lực thúc đẩy các doanh nghiệp logistic toàn cầu mạnh tay đầu tư hơn vào Việt Nam. Tiêu biểu Tập đoàn A.P. Moller – Maersk – nhà vận tải lớn nhất thế giới mới đây đã quyết định mở 2 cơ sở mới (mỗi cơ sở khoảng 10.000m2) tại Bình Dương và 1 cơ sở diện tích khoảng 18.000m2 tại Bắc Ninh; ESR Cayman – Công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản tại HongKong cũng đã công bố hợp tác với Công ty BW để phát triển Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 tại Bình Dương.
Tương tự công ty kho bãi lớn nhất châu Á GLP cũng đã lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam để ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam. Liên doanh này có nhiệm vụ phát triển 335.000 m2 kho bãi quanh Hà Nội, Tp.HCM và đây sẽ là kho hàng đầu tiên của “ông trùm kho bãi” tại khu vực Đông Nam Á.
Thành Nam