Vấn đề Nga và Trung Quốc chi phối hội nghị G7

Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến phương Tây đoán già đoán non về Ukraine, thì chính sức mạnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thu hút sự chú ý của nhóm G7.

Mỹ và các đồng minh G7 khác đang tìm kiếm một phản ứng chặt chẽ trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Tập Cận Bình sau sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 40 năm qua.

Putin cũng từng thu hút sự chú ý trong cuộc hội đàm ở thành phố Liverpool, Anh giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp. Các đối tác đã ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm hỗ trợ Ukraine và răn đe Putin, với việc đưa ra cảnh báo rõ ràng về các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc.

Phương Tây lo ngại rằng Nga có thể đang chuẩn bị tấn công Ukraine. Điện Kremlin phủ nhận kế hoạch xâm lược Ukraine nhưng yêu cầu đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý rằng NATO sẽ không mở rộng thêm về phía đông.

Theo các nguồn thạo tin về các cuộc thảo luận, hiện có nhiều quan ngại về các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga nhưng không có thỏa thuận rõ ràng về việc có áp dụng các hình phạt đối với đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 hay không.

Nga đã được đưa vào G8 vào năm 1997 nhưng đã bị đình chỉ tư cách thành viên vào năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine. Moscow cho biết nhóm G7 – gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản – đang đưa ra những cáo buộc hung hăng.

Nếu Putin, 69 tuổi, là mối quan tâm ngắn hạn, thì Trung Quốc của Tập Cận Bình lại là câu hỏi chiến lược của các nước còn lại.

Một quan chức tham dự cuộc đàm phán cho biết “đã có” các cuộc thảo luận rất, rất căng thẳng, đặc biệt là về Trung Quốc”.

Trọng Hoàng