Xung lực mới cho xuất khẩu năm 2019
Mặc dù gặp nhiều áp lực, xuất khẩu năm 2018 đã đạt được hầu hết các chỉ tiêu theo kế hoạch Quốc hội đã đề ra, tạo đà tăng trưởng với mức kỳ vọng cao hơn cho xuất khẩu năm 2019.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch ước đạt gần 240 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 8-10% đề ra. Cán cân thương mại năm 2018 có thể tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư với mức xuất siêu khoảng 2 – 3 tỷ USD.
Chú trọng nông – thủy sản
Mặt hàng nông sản và thủy sản đã trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu khi trở thành định hướng mũi nhọn. Đây là bước chuyển vô cùng quan trọng khi tập trung xuất khẩu những mặt hàng có khả năng sản xuất công nghiệp, có thể ứng dụng các công nghệ cao vào quy trình sản xuất.
Triển vọng xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới. Nguồn cung trong nước dồi dào, nhiều mặt hàng đang và sẽ bước vào vụ thu hoạch rộ với năng suất cao. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2017.
Xuất khẩu thủy sản có nhiều cơ hội tăng trưởng vì mức thuế chống bán phá giá tôm và cá tra gần nhất giảm nhiều so với mức thuế công bố sơ bộ, tạo tâm lý tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu, giá nguyên liệu và giá xuất khẩu có xu hướng tăng; nhu cầu nhập khẩu tăng bình quân 10-20% trong các tháng cuối năm để phục vụ các dịp lễ, Tết, đặc biệt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các đối thủ cạnh tranh khó khăn về sản xuất và thị trường (Thái Lan ngừng nhập khẩu tôm Ấn Độ làm Thái Lan giảm nguồn cung cho xuất khẩu, Ấn Độ đang chịu tần suất kiểm tra 50% khi xuất khẩu sang EU và có nguy cơ bị EU cấm…). Do vậy, mặc dù vẫn gặp khó khăn về thẻ vàng IUU của EU và Chương trình giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2018 vẫn đạt kết quả như kế hoạch đầu năm với kim ngạch 9,05 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2017.
Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã duy trì cao hơn khối FDI.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 38,2 tỷ USD, tăng 8,8%. Trung Quốc đạt 38,1 tỷ USD, tăng 23,2%. Thị trường ASEAN đạt 22,7 tỷ USD.
Bên cạnh thuận lợi, nhiều hạn chế trong xuất khẩu cũng lộ rõ, xuất siêu nghiêng về phía các doanh nghiệp FDI và nhập siêu lại là các doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Nhập siêu nghiêng về khối sản xuất công nghiệp nhưng xuất siêu lại thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong khi nông nghiệp lại chủ yếu xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, xuất khẩu sản phẩm của lao động giản đơn. Việt Nam nhập siêu quá lớn từ thị trường Trung Quốc và để một số mặt hàng chủ lực phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khi công nghiệp hỗ trợ cho xuất khẩu chưa đủ mạnh, nếu các Hiệp định thương mại tự do có tính đến quy tắc xuất xứ và năng lực của công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam rất bất lợi.
Dự báo năm 2019
Năm 2019, Việt Nam đưa ra mục tiêu tăng xuất khẩu lên 7-8%, Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Bộ Công Thương dự báo, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực với đà tăng trưởng khả quan từ các nền kinh tế lớn và các nước phát triển, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đã có sự bứt phá, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo…
Thời gian tới, Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc, cả tích cực và tiêu cực. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích, khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng chậm lại, mà Trung Quốc hiện nay đóng góp khoảng 32% nền kinh tế toàn cầu, khi Trung Quốc có vấn đề thì cả khu vực, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng. Đi theo đó là sức cầu về hàng hóa, thương mại, thiết bị sẽ giảm, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điều này cũng xảy ra tương tự với Mỹ. Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung để chủ động trong công tác điều hành.
Trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa, các doanh nghiệp cần có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu. Tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước cũng như tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế đang được chú trọng để bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Minh Đường