Barclays, RBS, HSBC, Credit Suisse và UBS bị phạt vì tham gia vào giao dịch ngoại hối cartel

Ủy ban châu Âu đã phạt 5 ngân hàng vì tham gia vào cartel kinh doanh ngoại hối bất hợp pháp. Cartel là thoả thuận hợp tác chính thức về giá cả, sản lượng và những điều kiện khác giữa các doanh nghiệp trong thị trường thiểu quyền. Những thoả thuận như vậy làm giảm cạnh tranh và tạo ra sự hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm đạt được những mục tiêu như tối đa hoá lợi nhuận hay gây khó khăn cho sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới.

UBS, Barclays, RBS, HSBC và Credit Suisse đã bị phạt tổng cộng 344 triệu euro (390 triệu đô la).

Cuộc điều tra này, tập trung vào việc giao dịch các đồng tiền G-10, cho thấy các nhà giao dịch ngoại hối tại 5 ngân hàng này đã thảo luận về các thông tin nhạy cảm và kế hoạch giao dịch. Ủy ban cho biết họ đôi lúc điều phối các kế hoạch giao dịch của mình thông qua một phòng trò chuyện trực tuyến chuyên nghiệp có tên là Sterling Lads.

Bốn trong số các khoản tiền phạt của các ngân hàng – UBS, Barclays, RBS và HSBC – đã được giảm 10% khi họ thừa nhận việc tham gia vào cartel.

Ủy ban cho biết Credit Suisse không được hưởng lợi từ việc cắt giảm này vì họ đã không hợp tác với các nhà chức trách. Tuy nhiên, khoản tiền phạt của họ đã được giảm 4% để phản ánh rằng ngân hàng không phải chịu trách nhiệm pháp lý cho tất cả các khía cạnh của vụ việc.

UBS cuối cùng không phải trả bất kỳ khoản tiền phạt nào vì ngân hàng đã nhận được “quyền miễn trừ hoàn toàn” vì đã tiết lộ sự tồn tại của cartel.

Margrethe Vestager, Cao ủy châu Âu về cạnh tranh, cho biết: “Các quyết định về cartel của chúng tôi đối với UBS, Barclays, RBS, HSBC và Credit Suisse gửi một thông điệp rõ ràng rằng Ủy ban vẫn cam kết đảm bảo một khu vực tài chính lành mạnh và cạnh tranh cần thiết cho đầu tư và tăng trưởng”.

Người phát ngôn của NatWest, công ty mẹ của RBS, nói với CNBC qua email: “Chúng tôi rất vui khi đạt được thỏa thuận về cách xử lý hành vi sai trái nghiêm trọng diễn ra trong một phòng trò chuyện và liên quan đến một cựu nhân viên của ngân hàng, khoảng một thập kỷ trước”.

Trọng Hưng